Quy mô ngành kho vận Việt Nam gần 3,9 triệu m2 sàn
Theo FiinGroup Việt Nam, tính đến 2023, quy mô cung ứng của ngành kho vận hiện đại Việt Nam gần 3,9 triệu m2 sàn.
Kho vận là phân khúc logistics hấp dẫn nhất tại Việt Nam, được thúc đẩy bởi các hoạt động thương mại mạnh mẽ, sản xuất và bán lẻ.
Trong báo cáo "Kho vận Việt Nam: Sự mở rộng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài" do đơn vị nghiên cứu thị trường và tư vấn FiinGroup Việt Nam phát hành, tính đến 2023, quy mô cung ứng của ngành kho vận hiện đại Việt Nam gần 3,9 triệu m2 sàn. Tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2020-2023 là 23%.
Hiện, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tích cực phát triển cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt là các kho vận hiện đại tại Việt Nam.
Hoạt động tích cực nhất trên thị trường là các nhà đầu tư ngoại như Mapletree, SLP, JD Property, Gemadept và Transimex.
Riêng top 3 là Mapletree, BW Industrial và SLP đã chiếm 46% thị phần tính theo diện tích, đạt tổng cộng gần 1,79 triệu m2 sàn. Mapletree mở rộng mạnh mẽ với các trung tâm logistics lớn tại các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Bình Dương, mỗi nơi có 12- nhà kho. Trong khi, BW Industrial nổi lên với 22 nhà kho mới tại miền Bắc và miền Nam trong giai đoạn 2020-2022.
Trước đó, theo thông tin của hãng dịch vụ bất động sản Knight Frank Việt Nam, thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn nói chung đã thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài kể từ năm 2018. Đến 2023, với số lượng nhà đầu tư tham gia đã tăng 5 lần.
Bên cạnh doanh nghiệp nước ngoài, top 3 nhà phát triển bất động sản kho vận nội địa lớn nhất là ICD ST, NPL Logistics và Gemadept, sở hữu lần lượt 172.000, 126.000 và 114.000 m2. Một số nhà phát triển khu công nghiệp cũng tích cực tham gia vào thị trường nhà xưởng và kho xây sẵn.
FiinGroup cho biết, có 25 dự án kho vận sẽ triển khai từ nay đến 2027 với tổng diện tích cho thuê thêm là 1,87 triệu m2. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của diện tích kho vận hiện đại dự báo duy trì ở mức 7% trong giai đoạn này.