Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải đáp một số vướng mắc trong giải quyết, xét xử các vụ án hành chính
Qua thực tiễn xét xử, TANDTC nhận được một số vướng mắc trong giải quyết, xét xử các vụ án hành chính của các Tòa án địa phương gửi về. Để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, ngày 13/6, Hội đồng Thẩm phán TANDTC tổ chức Hội nghị đối thoại hướng dẫn tháo gỡ, giải đáp các vướng mắc trên.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì và chỉ đạo Hội nghị. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đồng chủ trì.
Cùng dự tại điểm cầu trung tâm TANDTC có Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng; thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC, Thẩm tra viên, Thư ký các vụ Giám đốc kiểm tra I, II, III TANDTC.
Hội nghị kết nối tới các điểm cầu Vụ công tác phía Nam, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, huyện, Tòa án Quân sự các cấp, Học viện Tòa án,...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong những năm qua, Hội nghị tập huấn trực tuyến, đối thoại giải đáp những vướng mắc liên quan đến xét xử giữa Hội đồng Thẩm phán TANDTC với Thẩm phán trong toàn quốc đã trở thành thông lệ của TANDTC. Hoạt động này được các cơ quan, hữu quan trong nước cũng như Tòa án các nước trên thế giới đánh giá rất cao.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định: "Đây là hoạt động thiết thực, bổ ích cho việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực xét xử cho đội ngũ Thẩm phán. Hoạt động này rất khó khăn nhưng cần phải được duy trì và ngày càng nề nếp hơn".
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, tại Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH ngày 27/3/2023 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Chánh án TANDTC “tiếp tục có các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính”. Để đảm bảo sự độc lập, Tòa án đã có đề xuất Quốc hội thành lập Tòa án chuyên biệt về án hành chính, đề xuất này cho đến nay cơ bản được Quốc hội ủng hộ.
Theo Chánh án, thống kê trong thời gian qua cho thấy tỷ lệ giải quyết án hành chính thấp hơn so với các loại án hình sự, dân sự... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó phải kể đến những bất cập trong tố tụng hành chính hiện nay, hay những vướng mắc trong kiến thức xét xử.
Cho rằng hơn 40 vấn đề về án hành chính được giải đáp ngày hôm nay là những vấn đề khó, được các Tòa án địa phương gửi lên đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC nghiên cứu lựa chọn, chắt lọc, Chánh án yêu cầu các Thẩm phán tại các điểm cầu tập trung lắng nghe, ghi chép, tiếp thu đầy đủ những kiến thức từ Hội đồng.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình mong muốn, qua hội nghị, với những thực tiễn xét xử, các đại biểu tham dự tại các điểm cầu cũng cần có những ý kiến phản hồi để đóng góp vào mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính nói riêng, nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TAND nói chung.
Tại Hội nghị, các điểm cầu thành phần TAND các cấp đã liên tục đặt ra những câu hỏi, những vấn đề vướng mắc trong Luật Tố tụng hành chính. Giải đáp những vấn đề trên, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã lắng nghe, đưa ra những hướng dẫn, giải đáp cụ thể cho từng câu hỏi, đề xuất phương án giải quyết từng vấn đề.
Theo chương trình, sau hội nghị, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC hoàn thiện lại các câu hỏi và nội dung giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, xây dựng văn bản giải đáp nghiệp vụ của Hội đồng Thẩm phán để phát hành, thống nhất áp dụng trong toàn hệ thống Tòa án.
Lãnh đạo TANDTC quán triệt, sau khi có văn bản giải đáp chính thức của Hội đồng thẩm phán TANDTC, Chánh án TAND các cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt các nội dung văn bản giải đáp của Hội đồng để áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử, từ đó bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong các phán quyết của Tòa án.