Phóng sự - Ghi chép

Nghề “đi giật lùi” ở biển

Gia Ân-Thành Đô 14/06/20 - 09:01

Khi mới tờ mờ sáng, bóng dáng của những người phụ nữ nhỏ bé cũng hì hụi ở bãi biển với những bước đi giật lùi. Sau mỗi bước đi ấy, có thể bỏ túi vài đồng bạc lẻ nhưng có hôm lại buồn bã ra về...

chuan(2).jpg

Khi mới tờ mờ sáng, bóng dáng của những người phụ nữ nhỏ bé cũng hì hụi ở bãi biển với những bước đi giật lùi. Sau mỗi bước đi ấy, có thể bỏ túi vài đồng bạc lẻ nhưng có hôm lại buồn bã ra về...

Nghề phải đi đặc biệt

Với những người dân sống ở vùng biển ở tỉnh Nghệ An, sau mỗi sáng tinh mơ, họ lại đi về phía biển như một bản năng với ngư cụ đơn giản để tìm kiếm những con ngao trắng trẻo đang ẩn mình dưới lớp cát mịn.

Người dân nơi đây gọi công việc của họ là nghề “đi giật lùi”, bởi làm nghề cào ngao, bất cứ ai cũng phải đi lùi về phía sau, nó giống như chính phận đời của những con người đang làm công việc này.

Có mặt tại bãi biển xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu vào một ngày tháng 6, khi nắng nóng đã bắt đầu trở nên khô khốc hơn. Khi ánh bình minh bắt đầu le lói trên biển cũng là lúc những giọt mồ hôi của những người phụ nữ làm nghề cào ngao tại bãi biển này lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của họ.

Nhìn dáng người nhỏ thó, đứng liêu xiêu ở bãi biển rộng lớn, ít ai biết rằng bà Nguyễn Thị Thu (65 tuổi) ở xóm 2 xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu bất kể nắng hay mưa, ngày nào cũng có mặt ở bãi biển, vác trên vai chiếc sào tre có gắn có gắn chiếc lưỡi sắt hình chữ U và cái vợt để đi tìm ngao.

“Nhà ở gần biển nên ngày nào cũng vậy, sau giấc ngủ nửa chừng của tuổi già, bất kể trời mưa hay nắng, tôi cũng đi cào ngao, hôm cào được nhiều ngao thì bán được 80-100 nghìn đồng, còn hôm ít thì đem về nấu canh. Cũng nhờ có con ngao mà bà có thêm chút tiền để mua phân bón cho lúa cho rau”.

Mưu sinh kiếm từng đồng bạc lẻ

Ngư cụ những người đi cào ngao trông hết sức đơn giản, chỉ là một đoạn sào tre hình chữ Y, có gắn với 1 lưỡi sắt hình chữ U và cái vợt bằng lưới, cứ thế vác ngược lên vai, tì lưỡi chữ U xuống bãi cát mà kéo. Cứ chốc chốc, bóng người phụ nữ nhỏ bé lại dừng, thò tay xuống cát móc lên một con ngao bỏ vào cái túi, như góp nhặt từng đồng bạc lẻ.

Ở nghề này, các ngư dân bắt đầu công việc từ rất sớm, khoảng 4h sáng, chủ yếu làm vào những lúc nước cạn. Công việc mỗi ngày kéo dài khoảng 4 - 5 tiếng, trung bình mỗi người một ngày thu được 20-100 nghìn đồng, ai may mắn gặp được vùng đất có nhiều ngao thì ngày đó kiếm được nhiều hơn.

Cách đó không xa, ông Trần Văn Quế (66 tuổi) trú xóm 1 xã Diễn Hải cũng đang hì hụi với công việc thường ngày, dường như hôm nay không có nhiều ngao như mọi hôm, nên ai nấy đều tỏ vẻ buồn bã hơn.

3-2(1).jpg

Ông Quế tâm sự: “Ở vùng biển này ngoài lớp đàn ông, trai tráng đi biển, phụ nữ ở nhà làm nông, còn lại không có việc gì khác kiếm ra tiền ngoài cái nghề đi giật lùi này, tranh thủ lúc nông nhàn, cố gắng đào bới kiếm thêm chút tiền rau, cá hàng ngày”.

Mặt trời càng lên cao, nắng cũng rọi xuống vàng vọt hơn, những tấm thân ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi, hiện trên khuôn mặt khắc khổ đó là những phận người bươn chải mưu sinh đắp đổi qua ngày: “Nghề này bạc và nghèo, vì có ai cào ngao mà giàu được đâu. Mồ hôi và nước biển mặn như nhau, nhưng vì không muốn làm phiền đến con cái nên tôi vẫn đi cào ngao kiếm thêm mớ rau con cá qua ngày” – người phụ nữ đã ngoài tuổi ngũ tuần tâm sự.

Ông Phan Văn Thuyên – Chủ tịch UBND xã Diễn Hải huyện Diễn Châu, cho biết: “Xã Diễn Hải ở một số xóm có nghề đi bè mảng thì xa xưa đến nay. Trải qua bao thăng trầm, nghề của làng biển vẫn được gìn giữ bởi nhiều thế hệ. Ngày nay con em địa phương ngoài bám biển còn đi xuất khẩu lao động tạo thêm thu nhập hay đi làm cong nhân ở các công ty, nhà máy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương”.

Gia Ân-Thnh Đ