Sức Khỏe

Thoát vị đĩa đệm “nỗi ám ảnh” với người bệnh

Thanh Phương 14/06/20 - 21:39

Thoát vị đĩa đệm cột sống là bệnh lý rất phổ biến, có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau từ người già đến người trẻ, bệnh thường điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu và nghỉ ngơi. Khi muốn vận động, cơn đau liền ập xuống khiến cho người bệnh vô cùng đau đớn, chính vì vậy mà thoát vị địa đệm trở thành “nỗi ám ảnh”.

Thống kê cho thấy, chỉ 20% số đó cần được phẫu thuật để khỏi dứt điểm, song với tâm lý sợ liệt, sợ đau do mổ khiến nhiều bệnh nhân bỏ qua cơ hội thoát di chứng yếu liệt. Với sự phát triển của các phương tiện, dụng cụ phẫu thuật và trình độ của phẫu thuật viên, hiện nay phương pháp phẫu thuật nội soi trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống được ứng dụng tại các cơ sở y tế lớn trong cả nước với nhiều ưu điểm vượt trội.

noisoi.jpg
Các bác sỹ tiến hành can thiệp phẫu thuật nội soi cột sống

Nhờ làm chủ kỹ thuật nội soi cột sống hoàn toàn, trong những năm gần đây Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân có bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống, qua đó giúp người bệnh giảm tối đa các nguy cơ biến chứng trong phẫu thuật.

Anh N.T.T (44 tuổi, Quảng Thạch, Quảng Xương) nhập viện tại khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng đau lưng dữ dội, cơn đau lan xuống cả 2 chân, đau liên tục cả khi nằm nghỉ, kèm theo tê yếu cơ, gặp khó khăn khi đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, cách đây 5 năm anh T. còn phát hiện mắc thêm bệnh đái tháo đường type 2.

Anh T. cho biết, 10 năm trước, anh đã được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, anh cũng đã chữa bệnh ở nhiều nơi, điều trị nhiều phương pháp mà không đỡ, gia đình thì sợ phẫu thuật sẽ có nguy cơ bị liệt nên không cho anh điều trị bằng phương pháp này.

hinhanh.jpg
Hình ảnh chụp cộng hương từ

Tuy nhiên, gần đây, bệnh của anh ngày càng trở nặng, gây tê chân và đau lưng nhiều nên anh đã đến khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để điều trị.

Dựa trên thăm khám lâm sàng cùng với kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng, các bác sĩ chẩn đoán anh T. bị thoát vị đĩa đệm L4 L5, hẹp ngách bên L5 bên phải mức độ nặng.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cột sống, loại bỏ phần đĩa đệm thoát vị, giải phóng dây thần kinh. Đây là phương pháp thường được áp dụng cho những trường hợp thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh đã điều trị nội khoa nhưng thất bại. Bằng việc mở một đường nhỏ khoảng 1cm trên da, bác sĩ đưa hệ thống ống nội soi, dụng cụ phẫu thuật vào tiếp cận cột sống và thực hiện việc giải phóng áp lực cho dây thần kinh, tủy sống.

Bên cạnh đó, trước ca mổ, anh T. được xét nghiệm và điều chỉnh đường huyết để giảm nguy cơ xảy ra biến chứng do bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường lâu năm, nếu kiểm soát đường huyết không tốt trước, trong và sau phẫu thuật thì nguy cơ nhiễm trùng cao gấp 4 lần người bình thường, vết thương khó lành, tốc độ liền xương chậm hơn.

Dưới sự hỗ trợ của hệ thống máy C-arm hiện đại, sau 1 giờ đồng hồ, ê kíp các y bác sĩ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi loại bỏ khối thoát vị và giải phóng áp lực cho dây thần kinh, tủy sống (ngách bên L5 bên phải) cho bệnh nhân.

Một ngày sau phẫu thuật, anh T. vui vẻ cho biết, anh đã có thể đi lại bình thường, vận động tốt, cảm giác tê, đau đeo bám suốt 10 năm qua đã biến mất. Anh cũng tỏ ra khá bất ngờ khi vết mổ nhỏ, nhanh lành và không ảnh hưởng thẩm mỹ. Do có bệnh lý nền đái tháo đường kèm theo nên anh T. được tiếp tục theo dõi đường huyết nhiều lần trong ngày, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc phù hợp. Sau 1 tuần điều trị, anh T. được ra viện trong niềm vui và hạnh phúc của cả gia đình.

BSCKII Lê Ngọc Biển – Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu gây chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống, dẫn đến tình trạng đau nhức và rối loạn cảm giác tại chỗ.

Tùy thuộc vào vị trí dây thần kinh bị đĩa đệm chèn ép sẽ có những dấu hiệu và biến chứng khác nhau. Đối với trường hợp của anh T, đĩa đệm chèn ép các dây thần kinh tại vùng thắt lưng, nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ, teo dần các chi, mất khả năng đi lại.

Nội soi cột sống điều trị thoát vị đĩa đệm là một bước tiến của y học với nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương pháp phẫu thuật cột sống truyền thống như: ít xâm lấn, vết mổ nhỏ, từ đó hạn chế mất máu trong quá trình phẫu thuật, hậu phẫu người bệnh ít đau hơn và phục hồi nhanh hơn.

Ngoài ra, phương pháp này còn giúp duy trì phạm vi di chuyển bình thường của cột sống, tiên lượng người bệnh có thể xuất viện sau 3 ngày phẫu thuật. Thời gian phục hồi hoàn toàn khoảng một tháng.

Bác sĩ Biển cũng khuyến cáo người bệnh nên sớm đi khám khi có các dấu hiệu cảnh báo thoát vị đĩa đệm cổ như đau vùng cổ và vai gáy, cơn đau lan xuống một hoặc cả hai cánh tay, ngón tay, bàn tay. Triệu chứng thoát vị cột sống thắt lưng có thể là đau dữ dội ở vùng thắt lưng, đau lan xuống hông đùi, cẳng chân, bàn chân và các ngón chân, gây yếu chân.

Thanh Phương