Hà Nội: Dừng, đỗ lấn chiếm lòng đường trước khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ
Theo phản ánh, tình trạng ô tô dừng đỗ thành hàng, lấn chiếm lòng đường Nghiêm Xuân Yêm, đoạn qua khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn còn tái diễn, gây mất an toàn giao thông tại khu vực.
Theo đó, mỗi ngày, đoạn đường dài khoảng 500m trên đường Nghiêm Xuân Yêm đoạn qua khu đô thị Kim Văn- Kim Lũ một thời gian dài trở thành điểm đỗ xe của nhiều loại ô tô, gây mất trật tự đô thị và làm ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông.
Tình trạng vi phạm đỗ xe dưới lòng đường chủ yếu vào cuối giờ chiều khi cư dân đi làm về, từ 5h chiều đến sáng hôm sau. Cư dân đi làm về và đỗ. Buổi sáng thì phổ biến là vi phạm xe dừng, đỗ đón trả khách, đến làm việc, mua bán dừng, đỗ dưới lòng đường.
Nhiều cư dân sinh sống quanh khu vực này vẫn phải chịu tình cảnh này nhiều năm nay. Việc ô tô đỗ tràn lan, chiếm dụng lòng đường trước khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ vẫn là sự ức chế cho những ai sinh sống tại quanh đây. Ô tô đỗ hàng dài dưới lòng đường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhất là khi đêm tối các phương tiện khác lưu thông qua đây có thể va chạm với các ô tô này gây ra tai nạn đáng tiếc.
“ Tôi cũng có ô tô phải đi gửi bên ngoài vì chung cư nhà tôi không có chỗ đỗ ô tô, nên phần nào tôi có thể thông cảm cho cư dân đỗ ô tô ở đây. Tôi nghĩ nhu cầu gửi ô tô của cư dân chung cư Kim Văn - Kim Lũ là hoàn toàn bình thường. Vì với điều kiện thực tế về sức chứa của tổ hợp chung cư này không đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Nhưng tôi thấy rằng nó không đồng nghĩa chủ xe ô tô được quyền dừng đỗ ở đây, ngày này qua ngày khác, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông dưới lòng đường được, họ cần tìm chỗ đỗ ở nơi khác gần đây. Tôi nghĩ tình trạng này rất cần cơ quan chức năng các cấp vào cuộc quyết liệt, tìm ra giải pháp hiệu quả để xử lý tận gốc vấn đề”, anh Phan Trung Dũng (cư dân sinh sống tại phường Đại Kim) chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan (cư dân khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ) cho biết: "Tôi thấy đây là vấn đề ý thức, không thể đổ cho thiếu chỗ đỗ xe. Vì quanh đây vẫn có những bãi xe được cấp phép. Không thể vì cá nhân một số người ảnh hưởng đến cả cộng đồng được”.
"Các lực lượng chức năng cứ không có mặt là đâu lại vào đấy, đặc biệt là vào khi trời tối ô tô đỗ tràn lan ra đường rất mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị", anh Nguyễn Thành Nam (cư dân sinh sống tại đường Nghiêm Xuân Yêm) chia sẻ.
Được biết, Ban Chỉ đạo 197 phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã tiến hành giải tỏa, xử lý vi phạm bãi xe trái phép tại đây. Biện pháp chống tái lấn chiếm cũng được triển khai, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng những vi phạm vẫn còn xuất hiện. Làm thế nào để không tái diễn tình trạng đỗ xe lấn chiếm lòng đường là vấn đề được dư luận quan tâm.
"Tôi phải làm việc ở khu vực này, thường xuyên ra vào đây nên cũng gặp nhiều khó khăn khi qua lại ở những điểm ùn tắc do ô tô dừng đỗ dưới lòng đường. Việc chính quyền ra quân quyết liệt, tôi rất ủng hộ, tôi thấy vi phạm đã được hạn chế đi nhiều. Tuy nhiên, rất hi vọng vấn đề này sẽ được giải quyết một cách căn bản và ổn định lâu dài", anh Nguyễn Quốc Hiếu (cư dân sinh sống tại khu đô thị Linh Đàm) chia sẻ.
Ghi nhận của PV Báo Công lý tại khu vực trước khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ trong hai ngày 14-/6:
Bộ luật Hình sự 20 có quy định về tội cản trở giao thông đường bộ tại khoản 1 Điều 261. Việc đậu xe này trái quy định pháp luật mà gây thương tích hoặc làm chết người thuộc các trường hợp sau đây thì chịu trách nhiệm hình sự và bị khởi tố hình sự về tội này.
Người nào sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%.
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.