Pháp luật

Công chứng viên được hành nghề đến năm 70 tuổi

Duy Tuấn 17/06/20 - 16:12

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, các đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên

Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo gồm 10 chương, 78 điều, trong đó, bổ sung 9 điều mới.

cc3.jpeg
Toàn cảnh phiên họp

Đáng chú ý, dự Luật cũng quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên lên đến 70 tuổi, đồng thời quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm để bảo đảm quá trình chuyển giao hoạt động.

Thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật Quốc hội tán thành việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên.

"Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề công chứng, việc dự thảo Luật giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng là 70 tuổi sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội", Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nói.

Do đó, để bảo đảm phù hợp với sự phát triển của y học hiện nay, đề nghị không nên giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên, mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề cao hơn 70 tuổi.

cc1.jpeg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Bỏ quy định miễn đào tạo hành nghề công chứng

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, dự thảo Luật quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng để đảm bảo sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn.

Người tập sự phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng. Bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự để bảo đảm người được bổ nhiệm công chứng viên có kiến thức, kỹ năng cập nhật.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, dự thảo Luật quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng. Đặc biệt, dự thảo Luật bỏ quy định miễn đào tạo.

Những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của Luật hiện hành phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng.

cc2.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Cùng với đó bổ sung một số đối tượng được tham dự khóa đào tạo nghề công chứng 6 tháng như chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng 2, thanh tra viên chính ngành tư pháp.…

Trong khi đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để luật hóa tối đa các nội dung đang được quy định tại các văn bản dưới luật đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế; đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính trong dự thảo Luật để cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết, làm gia tăng chi phí tuân thủ, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Duy Tuấn