Đời sống

Báo chí viết về tiêu cực là cần, nhưng phải đủ và đúng

Tuấn Dũng - Tuyết Nhung 18/06/20 - :48

Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất hàng đầu của người làm báo chân chính. Đặc biệt là khi báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, tình hình chính trị, an ninh của đất nước thì trách nhiệm của người làm báo cũng nặng nề hơn.

Nhà báo Bùi Công Phiếu, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Giao thông đã có những chia sẻ với Báo Công lý về những câu chuyện đời, chuyện nghề báo của mình.

Nhà báo viết về tiêu cực phải lăn xả, gan dạ và không sợ nguy hiểm

Nhà báo Bùi Công Phiếu trưởng thành từ một người lính. Trong thời gian trên chiến trường, ông hay viết bài và làm cộng tác viên cho rất nhiều báo, ở nhiều mảng khác nhau do niềm đam mê. Sau giải phóng miền Nam, năm 1976, ông chính thức làm báo. Tờ báo đầu tiên ông làm và đến khi nghỉ hưu là Báo Giao thông.

nha-bao-bui-cong-phieu-tac-nghiep.jpg
Nhà báo Bùi Công Phiếu, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Giao thông.

“Nhiều người vẫn hay thắc mắc vì sao tôi ở lại một tờ báo lâu như vậy, nhưng đó là vì tình yêu của tôi với ngành và với nghề. Tôi thích được đi, yêu những công trình giao thông nối liền những huyết mạch của Tổ quốc”, nhà báo Bùi Công Phiếu cho biết.

“Tôi phụ trách theo dõi, tuyên truyền ở mảng xây dựng cơ bản, có nghĩa nơi nào khó khăn nhất, thực hiện triển khai những bước sơ khai nhất thì tôi có mặt lúc đó. Có đi đến nơi, đến xuống tận dưới cơ sở mới thấu hiểu được sự khó khăn của công nhân, người dân và sự gian nan, thách thức đối với công tác triển khai của từng dự án. Ở công trường từ những ngày đầu ngổn ngang đất, đá, bùn cho đến ngày công trình hoàn thành, cảm xúc rất khó tả. Nó không chỉ là sự ghi nhận công sức của cả một tập thể, mà còn là sự hy sinh thầm lặng của biết bao con người”, ông Phiếu nói.

“Theo tôi, ở bất cứ thời đại nào, trên cương vị gì thì người làm báo cũng cần phải đi. Đi để quan sát thực tiễn, đi để nắm bắt thông tin đầy đủ nhất, đi để tự bồi dưỡng kiến thức xã hội, đi để có những cái nhìn thực tế nhất về vấn đề mình định viết. Ngay cả vào thời điểm tôi đang làm Phó Tổng Biên tập phụ trách chuyên môn thì ngoài việc đi họp, tổ chức, duyệt bài cho phóng viên thì điều tôi không thể không làm là đi tác nghiệp. Đi nhiều đã giúp tôi có một phong cách quản lý đúng đắn, khoa học và hiệu quả hơn”, ông Phiếu chia sẻ.

Vì đã đi nhiều nơi, đi xuống tận cơ sở, nơi công trình triển khai, nên tôi có thể đánh giá dễ dàng những tác phẩm được sản xuất, được làm trung thực hay không. Có thể một bài viết rất hay, rất giàu cảm xúc, nhưng chỉ cần một chi tiết không đúng là đã đánh giá được tính lao động trong đó là như thế nào. Và với một người quản lý, tôi nghĩ những điều đó là cần. Chứ không thể nào chỉ ngồi trên bàn giấy để rồi phóng viên, cộng tác viên đưa tác phẩm nào về cũng gật đầu là không được.

Đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, phản ánh những mặt tiêu cực trong xã hội, chỉ cần có một thông tin, được phản ánh về một sự việc có biểu hiện của tiêu cực, chúng tôi cũng phải xuống tận nơi, tìm tận người và điều tra sự việc thực tế, khách quan nhất.

Bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm làm báo, nhà báo Bùi Công Phiếu chia sẻ: “Tôi nhớ mãi loạt phóng sự về những tiêu cực tại bến xe miền Đông đã tạo nên làn sóng dư luận vô cùng mạnh mẽ. Sau khi nắm bắt thông tin, nhiều ngày tôi và anh Đức Lanh (công tác tại Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh) phải dậy từ 3, 4h sáng, “ăn dầm nằm dề” tại những bến xe để quan sát, theo dõi, điều tra. Đến máy ảnh cũng chỉ là chiếc máy đen trắng. Giả làm khách, đứng núp ven đường hay nguy hiểm hơn là vào tận trong bến xe. Cốt chỉ chụp được những bức ảnh, ghi lại những chứng cứ quan trọng để làm sáng tỏ mọi việc. Sau hàng loạt những ngày hy sinh sức khỏe thì những “lùm xùm” như bán chui vé, ưu tiên người nhà, nhận hối lộ để nhận lốt xe cũng được đưa đến công chúng”.

Thời điểm đó, loạt phóng sự của tôi đã thu hút được rất nhiều những phản biện, ý kiến trái chiều. Dù không đăng được hết loạt phóng sự, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào và tâm đắc về những tác phẩm của mình. Nếu không đi điều tra thực tế, không có những buổi “cơm chợ, ngủ đường” thì không thể có những tác phẩm được dư luận quan tâm.

Hay những lần cải trang, thuê xe bám sau những xe vi phạm để quay, chụp. Tất cả cũng được chúng tôi đưa lên báo một cách thẳng thắn, khách quan và thuyết phục. Những loạt bài đó, không dừng lại để thu hút độc giả mà viết về cái tiêu cực, phê phán cái xấu để mong những điều tốt đẹp hơn trong xã hội.

Phản ánh tiêu cực là phải nghe bằng hai tai

Báo chí luôn giữ vai trò chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Nhà báo Bùi Công Phiếu cho rằng, để thực hiện sứ mệnh kiến tạo của mình, báo chí cần quan tâm đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm đạo đức.

“Trong cuộc đời hơn 40 năm làm nghề của mình, tôi đã chứng kiến nhiều cơ quan báo chí, phóng viên giật tít câu view, đưa thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan, tập trung quá nhiều vào các tin bài tiêu cực... việc này làm mất đi sự chuẩn mực của báo chí; ảnh hưởng đến niềm tin, sự tôn trọng của độc giả”, ông cho biết.

Nhà báo Bùi Công Phiếu nhận định: “Tôi đồng ý là những cái sai báo chí phải phản ánh, lên án. Nhưng đưa những sự việc, sự vụ nó phải có thực tế và không được thêm bớt những chi tiết để câu view. Phán ánh sự việc, đặc biệt là những vấn đề tiêu cực phải nên trung thực, đúng bản chất, sự việc. Sau khi điều tra, những ai phạm tội cũng sẽ phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Nhưng khi có những bài báo không đúng sự thật sẽ khiến cho cái nhìn của người dân càng mất niềm tin và thấy sự việc quá khủng khiếp. Điều đó là việc không nên. Họ sai ở đâu, vi phạm ở đâu thì hãy nêu đúng, đủ ở đó. Việc nhận xét, đánh giá là của người dân. Chứ không phải bất chấp vì muốn tăng lượt bạn đọc, tăng số lượng bán báo để dễ dàng, vô trách nhiệm với thông tin mình đưa ra”.

Báo chí luôn có vai trò giám sát phản biện xã hội, thông tin tiêu cực, nhưng phải được tiến hành một cách có trách nhiệm, tức là phản ánh tiêu cực nhưng phải đạt được hiệu quả tích cực trong xã hội. Đừng khoét sâu chỗ này, khoét sâu chỗ kia, đua theo xu hướng… mỗi cơ quan báo chí cần tạo ra văn hóa truyền thông riêng.

Để làm được điều đó, người làm báo không ngừng rèn luyện, mở mang kiến thức và kỹ năng làm báo hiện đại. Nếu có kiến thức một chiều đơn điệu thì rất dễ tạo ra sự lệch lạc trong thông tin, kiến thức đa chiều sẽ giúp người làm báo tiếp cận thông tin nhiều chiều, phong phú, khai thác được nhiều vấn đề sự kiện lớn. Vì vậy mỗi người làm báo cần giữ vững tinh thần thông tin khách quan, đa chiều và thẳng thắn trong mọi hoàn cảnh, tình huống.

Tuấn Dũng - Tuyết Nhung