Đời sống

Chuyện nghề - hai chữ nhân văn

Hải Thanh 19/06/20 - 06:18

Từ rất lâu, nhiều cơ quan báo chí đã xem yếu tố nhân văn là tiêu chí quan trọng hàng đầu, tuyên truyền sâu rộng về chuyện tử tế, sống đẹp. Mỗi câu chuyện đều hướng tới giá trị nhân văn có hiệu ứng tích cực với xã hội, lan tỏa sâu rộng và tạo ra được sự thay đổi nhiều số phận con người, nhiều vùng đất, thắp lên những ngọn lửa của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng.

Viết lên những câu chuyện tử tế

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng, quan điểm rõ ràng cho báo chí, đó là: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

“Nhân văn” hiểu một cách trực diện, đơn giản là việc báo chí kể những câu chuyện ý nghĩa, truyền cảm hứng, thổi bùng những giá trị tốt đẹp, hoặc tinh tế hơn, là mang đến cho mỗi câu chuyện buồn vui trong cuộc sống một góc nhìn đồng cảm, hướng thiện, giúp hóa giải bế tắc để tiếp tục sống tốt hơn.

Tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ giá trị tốt đẹp, lợi ích tối cao, thiết thực của đất nước và Nhân dân.

img_20230726_082725.jpg
Báo Công lý thực hiện các chương trình xã hội - từ thiện với sức lan tỏa mạnh và hiệu quả cao.

Trước đây, mỗi khi bạn đọc cầm trên tay các tờ báo giấy hay truy cập các trang báo điện tử, vẫn còn nhiều tin bài quá sa đà vào chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu view mà quên đi giá trị cốt lõi của báo chí. Lấy danh nghĩa giám sát, phản biện, chống tiêu cực, vẫn không ít bài báo, nhà báo nặng về khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách tùy tiện.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh từng chia sẻ trên trang facebook cá nhân của ông rằng, lâu nay báo chí quá tập trung vào những mặt xấu mà nhiều lúc quên mất những câu chuyện đẹp trên đời. Không có những câu chuyện nhân văn thì chúng ta làm sao còn động lực để sống... Cho nên, cần những nội dung báo chí mang tính xây dựng, viết về những điều tốt đẹp.

Hiện nay, bên cạnh các thể loại báo chí khác như tin, bình luận chuyên luận, phóng sự, điều tra… nhiều cơ quan báo chí còn xây dựng chuyên mục chuyện tử tế để giới thiệu những con người tử tế, tôn vinh giá trị sống đẹp. Không gắn với yếu tố thời sự nóng hổi, không nói về người nổi tiếng, đó là câu chuyện khắc họa những con người bình dị “không ai biết mặt biết tên”, nhưng có niềm tin vào chính nghĩa, tình yêu cuộc sống thuần khiết, thu hút lượng đọc, lượt tương tác, bình luận, chia sẻ lớn.

Chuyên mục “Việc tử tế”, “Cặp lá yêu thương”, “Trái tim cho em” của Trung tâm Tin tức VTV là một minh chứng, hay hàng nghìn bài viết đã được đăng trong tuyến “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” của Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh… được sự phản hồi tích cực của độc giả. Điều đó có nghĩa là công chúng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho những con người - những việc làm tử tế, trong các loại tin tức cùng khung chương trình.

lrdsc-08753-167608977563614280.jpg
“Việc tử tế” của VTV chiếm trọn tình cảm từ khán giả.

Các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Công lý cũng đã tích cực truyền cảm hứng về những câu chuyện về những con người với tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng, đất nước; cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp làm giàu, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp; tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Nhắc đến đây, chúng ta lại nhớ đến nhà báo Trần Mai Anh (nguyên Trưởng ban biên tập Tạp chí Heritage), người phụ nữ nổi tiếng với câu nói: “Cổ tích sinh ra từ lòng người - Một nhà báo đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, nổi bật là “Hành trình Thiện Nhân” để lại nhiều xúc động sâu sắc và được Chủ tịch nước gửi Thư khen ngợi và là Công dân Ưu tú Thủ đô.

Cũng có thể kể đến nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên (Giám đốc Công ty TNHH Xã hội Nối thân thương), nổi tiếng với vai trò dẫn chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Chị đã tạo nhiều ấn tượng với khán giả bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm, mang lại cho người xem những cảm xúc rất thật, rất sâu lắng. Trong suốt năm qua, chương trình này đã tìm ra và tổ chức đoàn tụ cho hơn 1.800 trường hợp.

nhabao.jpg
Nhà báo Mai Anh - người sáng lập chương trình Thiện Nhân và những người bạn.

Những việc làm ý nghĩa đó đang góp phần rất lớn vào việc xây dựng hình ảnh người làm báo trong lòng độc giả; Tạo niềm tin, sự tín nhiệm của người dân để báo chí luôn là lẽ phải, tiếng nói giúp đỡ những người yếu thế… Bên cạnh đó, người làm báo cũng phát huy hết được khả năng, trách nhiệm đối với cộng đồng và hiểu hơn về ý nghĩa lớn lao của công việc này.

Những chuyên mục, hoạt động thực tế trên đây là thành quả của sự “vượt lên chính mình” của giới báo chí, mang ý nghĩa “lấy cái đẹp, đè bẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, gây dựng niềm tin cho bạn đọc, công chúng về sự hiện hữu của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng.

Những bài viết đẹp không chỉ khiến cộng đồng cảm động, kiên trì bắc bao nhịp cầu hữu hiệu, nối những tấm lòng nhân ái với bao cảnh đời, số phận kém may mắn trong xã hội, mà quan trọng hơn là nó khiến tâm hồn người ta lay động, trái tim rộng mở. Đồng thời khiến người ta lạc quan, thấy cuộc đời tươi đẹp, đáng sống hơn, gieo trong lòng người đọc những hạt mầm thiện lành. Đó chính là điều tốt đẹp mà người làm báo “nhận” được khi làm những “chuyện tử tế”…

“Phủ xanh” những thông điệp tích cực

Trong cuộc sống có nhiều điều đẹp đẽ và trách nhiệm của các cơ quan báo chí và những người làm báo là phải chú trọng hơn nữa việc phát hiện và lan tỏa những gương tốt, điển hình, những cái hay, cái đẹp trong xã hội.

Một trong những vấn đề lớn được nêu ra đối với các cơ quan báo chí tại Hội nghị Báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 20 là: Góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm hiệu quả.

Tại lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam là cội nguồn sức mạnh, giúp dân tộc ta trường tồn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách nghiệt ngã trước thiên tai, địch họa. Với sứ mệnh vẻ vang của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thắp lên ngọn lửa tri thức, lòng nhân ái trong toàn xã hội.

Nhiều người cho rằng, ngày nay, mạng xã hội với độ phủ rộng, tác động mạnh còn có vai trò lan tỏa câu chuyện đẹp, tiêu diệt cái xấu tốt hơn báo chí. Thực tế, cần nhìn nhận rằng, mạng xã hội đúng là có lan tỏa điều tử tế, tố cáo cái xấu, nhưng thông tin trên mạng xã hội đã phần đều rất hỗn loạn, nhiều nguồn, rất nhiều trong số đó độ tin cậy thấp. Giá trị ảo mà mạng xã hội đem đến cho công chúng là rất nhiều. Đôi khi khiến công chúng lạc lối trong quá nhiều nguồn tin trái chiều, không rõ nguồn gốc… Lúc này, càng cần đến báo chí như một lăng kính để “lọc” thông tin.

Hiện nay, báo chí đang đứng trước những thử thách gay gắt. Giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng.

Xã hội dù có phát triển đến đâu đi nữa, biết bao kênh thông tin mới mẻ ra đời, thì báo chí vẫn giữ nguyên vai trò của mình, là người lan tỏa cái đẹp, dọn dẹp cái xấu, là nguồn thông tin chính thống và chính xác, giúp người dân có cái nhìn sâu và chuẩn về mọi hiện tượng trong cuộc sống.

Trong “cơn bão” của thời đại số hóa, báo chí có thể tạo ra sự khác biệt bằng lối đi khác biệt, thông thái và độc đáo. Báo chí trí tuệ, báo chí chân chính, báo chí nhân văn vẫn luôn có cơ hội và sức hấp dẫn đặc biệt để giữ và chinh phục công chúng vì những giá trị đích thực và cao quý.

Một tờ báo có thương hiệu, được độc giả gửi gắm tin yêu tìm đọc là khi nhìn vào đó, người ta thấy rõ tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính định hướng xã hội trong mỗi mỗi tin, bài.

Với bạn đọc, những câu chuyện về người tử tế, việc tử tế là “của tin còn một chút này”. Những câu chuyện đó không chỉ góp phần làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa Xuân” như Bác Hồ hằng mong ước, mà còn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh, nhân ái.

Hải Thanh