Đời sống

Vai trò của báo chí trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, bảo vệ công lý

Đ. Việt 19/06/20 - 10:43

Nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định, báo chí giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/20), một số luật sư đã chia sẻ quan điểm và đề xuất một số giải pháp để cơ quan báo chí làm tốt hơn sứ mệnh thông tin, tuyên truyền mọi mặt của đời sống xã hội.

Cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân

Đó là nhận định của Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng Văn Phòng Luật sư Minh Bạch Quốc Tế - Đoàn luật sư TP. Hà Nội. Theo luật sư Hoàng, hoạt động báo chí góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội. Báo chí ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật; lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong mọi tầng lớp Nhân dân.

luat-su-nguyen-van-hoang.jpg
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng.

Trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, báo chí còn đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. So với các hình thức PBGDPL khác thì loại hình PBGDPL trên báo chí có lợi thế là có đông đảo bạn đọc trong nước và ở nước ngoài. Đặc thù của báo chí là thực hiện hoạt động thông tin, yêu cầu cơ bản của thông tin là phải nhanh nhạy, kịp thời, cập nhật, nếu không thông tin sẽ trở nên lỗi thời, không còn tính hấp dẫn. Do vậy, việc tuyên truyền, PBGDPL trên báo chí luôn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng nhu cầu được thông tin, tìm hiểu về pháp luật của người dân.

Do vậy, để góp phần nâng cao chất lượng PBGDPL trên báo chí, việc thường xuyên có mặt các chuyên mục như giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật; phản ánh thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật thông qua các vụ việc cụ thể liên quan đến pháp luật hoặc thông qua hoạt động của các cơ quan Nhà nước; thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật trên báo chí; nêu gương người tốt - việc tốt, nhân tố mới trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật, nhất là những cá nhân, tổ chức, dũng cảm đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vô trách nhiệm, những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm là đáp ứng nhu cầu chung.

Lan tỏa giáo dục pháp luật đa chiều hơn

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng, báo chí không chỉ là người truyền đạt thông tin một cách khô khan về các quy định pháp luật, mà còn là nhà phân tích và sáng tạo nội dung để làm cho thông tin về pháp luật trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn đối với công chúng.

Bằng cách phản ánh thực trạng và vấn đề pháp luật trong xã hội một cách sâu sắc và sinh động, báo chí tạo ra một môi trường đối thoại và thảo luận, giúp người dân tiếp cận với pháp luật một cách tự nhiên và thú vị hơn.

luat-su-truong-anh-tu.jpg
Luật sư Trương Anh Tú.

Bằng cách tham gia vào các chương trình phát sóng, thảo luận và viết bài, luật sư đóng vai trò là những người cầu nối giữa lý thuyết pháp luật và thực tiễn xã hội, giúp cho người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của pháp luật trong cuộc sống hàng ngày.

Bằng sự hợp tác chặt chẽ giữa báo chí và đội ngũ luật sư, việc lan tỏa giáo dục pháp luật trở nên phong phú và đa chiều hơn bao giờ hết. Họ cùng nhau tạo ra một không gian đối thoại và thảo luận mở, giúp cho pháp luật không chỉ là một khái niệm trừu tượng mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân.

Vũ khí sắc bén bảo vệ công lý

Theo luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla - Đoàn luật sư TP. Hà Nội: Trong những năm qua, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải.

luat-su-truong-quoc-hoe.jpg
Luật sư Trương Quốc Hòe.

Đồng thời, báo chí là vũ khí sắc bén trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ xã hội, bởi báo chí có quyền hạn phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội. Thông qua phản ánh, tuyên truyền pháp luật, đời sống, báo chí đã giúp tuyên truyền biểu dương gương người tốt - việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật nhằm giúp cho quần chúng Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật… Đặc biệt là tầng lớp Nhân dân thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế.

Để nâng cao chất lượng giúp cơ quan báo chí làm tốt hơn sứ mệnh thông tin, tuyên truyền mọi mặt của đời sống xã hội, cần thực hiện một số giải pháp:

Theo đó, cần nâng cao nhận thức của những người làm báo. Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý, sự phối hợp của Nhà nước với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý báo chí để bảo đảm báo chí hoạt động đúng định hướng, hiệu quả trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông. Các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, cơ quan chủ quản báo chí vừa phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, ngăn chặn tình trạng “thương mại hóa báo chí”; vừa phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc trao đổi, định hướng thông tin, đặc biệt là đối với các sự kiện lớn, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để kịp thời thông tin chính xác đến các tầng lớp Nhân dân.

Với sự phát triển của thời đại công nghệ số thì báo chí online cũng phát triển rất mạnh mẽ. Bên cạnh đó là sự bùng phát của tin giả, tin chưa kiểm chứng, gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến đời sống, nhận thức của nhân dân. Báo chí có vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận xã hội cũng như tạo dựng niềm tin để chống lại trào lưu đăng tin tức giả trên mạng xã hội.

Đ. Việt