Xã hội

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về quyền con người

Minh Đức 21/06/20 - 21:02

Báo chí và nhân quyền có mối quan hệ mật thiết với nhau, không chỉ là công cụ truyền tải thông tin báo chí mà còn là tiếng nói bảo vệ quyền lợi, tự do của con người.

Chiều 21/6, Bộ TTTT tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người cho phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công chức ngành thông tin và truyền thông. Tham dự Hội nghị có khoảng 50 đại biểu là phóng viên báo đài tham dự.

hai-z5560999494134_28e6ae014e5badff0f7aad79de542809.jpg
Ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu khai mạc Hội nghị.

Mở đầu Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, để thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng quyền con người trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, báo chí và nhân quyền có mối quan hệ mật thiết với nhau. Báo chí không chỉ là công cụ truyền tải thông tin mà còn là tiếng nói bảo vệ quyền lợi, tự do của con người.

Chính những nhà báo dũng cảm, kiên trì với nghề đã góp phần không nhỏ trong việc đưa ra ánh sáng những bất công, vi phạm nhân quyền và bảo vệ những giá trị cốt lõi của xã hội.

Hội nghị này không chỉ là dịp để chúng ta nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực nhân quyền, mà còn là cơ hội để cùng nhau học hỏi, trao đổi thảo luận. Đồng thời chúng ta cùng nhau trau dồi những kiến thức, kỹ năng mới về quyền con người trong bối cảnh hiện nay.

pgs.ts-kien-z5560999503882_7dfe0be70731008ebedeb0975a2eaf86.jpg
PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi tại Hội nghị.

Trao đổi tại Hội nghị, PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh giảng giải, quyền con người là một trong những vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm. Luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội. Bảo vệ quyền con người chính là bảo vệ hạt nhân quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo PGS.TS Kiên, Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam quy định rõ ràng, cụ thể về quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… của con người đều được thể chế hoá bằng các quy phạm pháp luật.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về quyền con người, Việt Nam cũng đã và sẽ tiếp tục tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền con người.

PGS.TS Tường Duy Kiên giảng giải, quyền con người là 1 khái niệm đa diện, do đó có nhiều cách tiếp cận và quan điểm khác nhau. Theo Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế”.

Quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người thể hiện sự bình đẳng của tất cả mọi người trong cộng đồng xã hội không phân biệt đối xử chủng tộc, dân tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo… Bản chất tự nhiên con người có sự bình đẳng, không phải là sự cào bằng mà là phổ biến.

Quyền con người là tự nhiên, vốn có vì vậy các quyền con người không thể bị tước đoạt hay hạn chế 1 cách tuỳ tiện mà phải dựa trên cơ sở quy định rõ ràng của pháp luật, quyết định bởi chủ thể có thẩm quyền. Quyền con người có thể bị hạn chế, thậm chí tước bỏ trong những trường hợp đặc biệt.

kien-z5560999507761_d1bd0a8bcf33d36aee5efa4dd8e0377e.jpg
Gần 50 đại biểu là phóng viên, biên tập viên tham dự Hội nghị.

PGS.TS Kiên giảng giải thêm, tư tưởng về quyền con người hình thành trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Trong mỗi giai đoạn, nhu cầu về quyền và những nhóm quyền được xác lập nhưng bản thân các quyền con người là một tổng thể thống nhất và quan trọng như nhau, quyền này không có giá trị cao hơn quyền kia.

Quyền con người là 1 thể thống nhất, không thể tách riêng, càng không thể đối lập giữa các quyền. Bởi mỗi quyền tuy có ý nghĩa riêng nhưng đều nằm trong tổng thể nhu cầu con người.

Đối với phóng viên, biên tập viên PGS.TS Kiên nhắn nhủ, phải thường xuyên tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quyền con người; thực thi các nghĩa vụ quốc gia đối với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. Luôn phát hiện, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân.

Đặc biệt, nhà báo cần tăng cường định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc về quyền con người. Vu cáo Chính phủ đàn áp những người hoạt động chính trị là các nhà báo, blogger; hạn chế quyền tự do ngôn luận, Internet, tự do lập hội, biểu tình, tự do tôn giáo; Vu cáo Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến…

Minh Đức