Xử phạt nghiêm việc mua bán thiết bị công nghệ hỗ trợ gian lận thi cử
Bạn đọc Trần Nhật Minh ở Hà Nội hỏi: Một trong những vấn nạn khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chuẩn bị diễn ra đó là việc mua bán thiết bị công nghệ cao phục vụ cho mục đích gian lận thi cử. Việc mua/bán nêu trên nếu bị phát hiện thì bị xử lý ra sao?
Luật sư Nguyễn Huế - Công ty Luật TNHH XTVN (Đoàn luật sư TP Hà Nội) trả lời: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 66/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 về việc quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị có quy định về điều kiện về an ninh, trật tự như sau:
Điều 6. Điều kiện về an ninh, trật tự
2. Chỉ các cơ sở kinh doanh sau đây mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị:
a) Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
b) Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
c) Cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự".
Và căn cứ tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 66/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 về việc quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị quy định về các hành vi bị cấm như sau:
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
6. Sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cho thuê, sửa chữa trái phép thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.”
Theo đó, chỉ các cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mới được phép kinh doanh các thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình để phục vụ cho nghiệp vụ được pháp luật cho phép.
Việc mua/bán nêu trên nếu bị phát hiện thì bị xử lý theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 20 được sửa đổi bởi điểm a khoản 40 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm:
- Người có hành vi mua bán thiết bị ghi âm, ghi hình (như tai nghe, các thiết bị liên lạc, ghi âm ghi hình) có thể ngụy trang để gian lận trong thi tốt nghiệp THPT thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm với hình phạt là phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến năm tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm.
- Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
- Bên cạnh đó Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có quy định về vi phạm quy định về thi như sau:
Điều 14. Vi phạm quy định về thi
3. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về thi theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;
c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
e) Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.”
Như vậy, đối với việc thí sinh sử dụng thiết bị để gian lận trong khi thi tốt nghiệp THPT là hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép sử dụng trong phòng thi. Hành vi này có thế bị xử lý vi phạm hành chính, cụ thể là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.