TANDTC trả lời ĐBQH việc thực hiện quy định pháp luật về tư pháp người chưa thành niên
TANDTC vừa ban hành Công văn 593/TANDTC-TCCB trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gửi Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về định hướng của hệ thống Tòa án đối với việc thực hiện quy định pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.
Công văn 593/TANDTC-TCCB nêu rõ: TANDTC nhận được Phiếu chất vấn của ông Hà Phước Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh do Tổng Thư ký Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 3734/TTKQH-GS ngày 29/5/20, với nội dung:
“Qua khảo sát việc thực hiện quy định pháp luật về tư pháp người chưa thành niên, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chỉ Minh nhận được kiến nghị của các cơ quan hữu quan:
(1) Sớm thành lập đầy đủ Tòa Gia đình và người chưa thành niên trong toàn hệ thống TAND để việc xét xử đáp ứng yêu cầu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi;
(2) Tăng cường công tác hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng thân thiện với người dưới 18 tuổi cho đội ngũ Thẩm phán về công tác xét xử liên quan đến người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Xin Chánh án TANDTC cho biết định hướng của hệ thống Tòa án liên quan đến các nội dụng kiến nghị nêu trên”.
TANDTC trân trọng cảm ơn đại biểu đã quan tâm, phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với hoạt động của TAND. Về nội dụng kiến nghị, TANDTC xin được trả lời như sau:
Việc thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng; góp phần thực hiện những mục tiêu đề ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có yêu cầu về đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.
Đồng thời cụ thể hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền của trẻ em, người chưa thành niên đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới.
Nhận thức rõ sự cần thiết này, triển khai các quy định tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, TANDTC đã quyết định thành lập 41 Tòa Gia đình và người chưa thành niên trên toàn hệ thống. Trong quá trình giải quyết các vụ, việc thuộc thẩm quyền, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi, trong đó tập trung quan tâm đến người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật và trẻ em, người chưa thành niên là nạn nhân của những hành vi phạm tội, xung đột và mâu thuẫn trong gia đình.
Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã mang lại một môi trường pháp lý thân thiện khi người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại Tòa án, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Việc tổ chức Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở các Tòa án được căn cứ vào yêu cầu công việc và thực tế xét xử của mỗi Tòa án; căn cứ vào biên chế đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của từng Tòa án.
Hiện nay số lượng biên chế được giao của Tòa án nhân dân không đảm bảo cho việc thành lập đủ các Tòa Gia đình và người chưa thành niên trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, để kịp thời triển khai Luật Tư pháp người chưa thành niên (dự kiến thông qua tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/20), Lãnh đạo TANDTC đã có chủ trương thành lập thêm các Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại một số Tòa án, trên cơ sở nguyên tắc ưu tiên các Tòa án đang có khối lượng công việc gia tăng nhiều để giảm tải áp lực cho các Tòa án. Bên cạnh đó, TANDTC sẽ xây dựng Đề án biên chế Tòa án nhân dân giai đoạn 2026-2031 để báo cáo Bộ Chính trị cho bổ sung biên chế nhằm đảm bảo cho việc thành lập các Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Công tác hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên sâu đối với Thẩm phán trong việc xét xử các vụ án người chưa thành niên cũng được TANDTC quan tâm tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như tập huấn chuyên đề bằng hình thức trực tuyến đến 810 điểm cầu trong Tòa án nhân dân với sự tham gia của các báo cáo viên là Thẩm phán, Giáo sư Luật, Trưởng công tố viên đến từ nước Đức; cử các Thẩm phán đi đào tạo, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đổi với người dưới 18 tuổi.... Bên cạnh đó, TANDTC cũng ban hành Thông tư quy định chỉ tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên, để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi...
Hiện tại, TANDTC đang tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về công tác xét xử liên quan đến người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nhằm nâng cao hơn nữa năng lực xét xử của Thẩm phán đối với loại án này.
Trên đây là ý kiến trả lời của TANDTC gửi tới đại biểu. TANDTC trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đồng chí đối với công tác Tòa án để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình.