Chính trị

ĐBQH: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp Công chứng viên cần được coi là bắt buộc

Duy Tuấn 25/06/20 - 13:39

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Đức Hiển, công chứng viên (CCV) ngoài chức năng cung cấp dịch vụ thì còn có chức năng xã hội quan trọng, thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước ủy nhiệm, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý... Do đó, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV cần tiếp tục được coi là loại hình bảo hiểm bắt buộc và phải quy định trong Luật...

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, sáng nay ((25/6), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Làm rõ vai trò, sự cần thiết của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV

Cho ý kiến, đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh, đồng thời là Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với việc sửa đổi Luật Công chứng.

doduchien.jpeg
Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh.

Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV, theo đại biểu, Luật Công chứng năm 2014 có 01 điều riêng (Điều 37) quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV, theo đó bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc; đồng thời, Điều 33 của Luật quy định tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV của tổ chức mình.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng "Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV không phải là bảo hiểm bắt buộc vì không nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội" nên đã bỏ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV, nhưng vẫn quy định TCHNCC có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho CCV của tổ chức mình theo quy định của Chính phủ (khoản 5 Điều 34).

Từ phân tích trên, đại biểu Hiển đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thêm, làm rõ vai trò, sự cần thiết của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV để có quy định phù hợp.

"Theo tôi, CCV ngoài chức năng cung cấp dịch vụ thì còn có chức năng xã hội quan trọng, thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước ủy nhiệm, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV cần tiếp tục được coi là loại hình bảo hiểm bắt buộc và phải quy định trong Luật, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm", đại biểu Hiển nêu quan điểm.

Cân nhắc việc miễn nhiệm CCV đã quá 70 tuổi

Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định CCV đã quá 70 tuổi sẽ thuộc một trong các trường hợp bị miễn nhiệm. Quy định này theo Tờ trình của Chính phủ nhằm mục đích nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hiển, thực tế cho thấy, số CCV đang hành nghề trên 70 tuổi không nhiều; trong số đó có những CCV có nhiều kinh nghiệm vẫn đủ sức khỏe hành nghề, đã xây dựng được các thương hiệu công chứng lớn, có uy tín, nhất là ở Hà Nội, TPHCM.

Mặt khác, đối với những CCV không đủ sức khỏe hành nghề hoặc không hành nghề công chứng liên tục từ 12 tháng trở lên thì đã thuộc trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định của Luật.

Bên cạnh đó, do công chứng là một nghề tư pháp nên việc quy định các biện pháp nhằm quản lý chất lượng nghề nghiệp sẽ là phù hợp hơn… thay vì miễn nhiệm họ chỉ căn cứ vào độ tuổi.

"Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thêm, trường hợp cần thiết phải quy định miễn nhiệm đối với CCV đã quá 70 tuổi, thì nên kéo dài thời gian chuyển tiếp (hiện nay là 2 năm) để các CCV này xử lý các công việc cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi của mình đối với thương hiệu cũng như tài sản, vốn góp của mình đã đầu tư khi thành lập VPCC, từ đó như tìm đối tác chuyển nhượng VPCC hoặc thỏa thuận xin rút hợp danh… Đây là những việc cần rất nhiều thời gian", đại biểu Hiển nêu quan điểm.

Duy Tuấn