Tin địa phương

Quảng Nam kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề liên quan đến Sâm Ngọc Linh

Hải Nam 25/06/20 - 16:50

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đề xuất một số chủ trương về chương trình phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh này.

Đầu tư hạ tầng kết nối đến vùng Sâm Ngọc Linh

Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/20 thì sản phẩm dược liệu được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực (trong đó cây Sâm Ngọc Linh được xem là sản phẩm chủ lực cấp Quốc gia), từ đó xây dựng tỉnh Quảng Nam thành vùng dược liệu cấp quốc gia.

Xây dựng và phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại các huyện miền núi cao của tỉnh.

Trong thời gian qua, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã định hướng xây dựng quần thể xác định việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh kết hợp các tour du lịch là một trong những điều kiện để thúc đẩy kinh tế vùng sâm. Trong thời gian qua, huyện đã tổ chức một số buổi làm việc, trao đổi để xúc tiến triển khai dự án.

snl3(1).jpg
Quảng Nam kiến nghị Chính phủ đầu tư hạ tầng để kết nối với vùng trồng Sâm Ngọc Linh

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở (như giao thông, điện, mạng thông tin liên lạc…) chưa đáp ứng, số lượng du khách tìm đến chưa nhiều, nhà đầu tư còn e ngại nên đến nay dự án vẫn chưa thành hiện thực.

Vì vậy, để giải bài toán trên, Quảng Nam đề nghị Chính phủ quan tâm chủ trì sơ kết thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Từ đó làm cơ sở cho các tỉnh đánh giá kết quả đạt được và có những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc.

Quảng Nam cũng kiến nghị Chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đến thủ phủ vùng Sâm Ngọc Linh. Để phát huy giá trị Sâm Ngọc Linh, đưa Quảng Nam thành vùng dược liệu cấp quốc gia, địa phương này đề xuất Chính phủ đầu tư hai tuyến đường kết nối đến vùng Sâm Ngọc Linh, tổng vốn hơn 2.400 tỷ đồng.

Theo đó, nâng cấp quốc lộ 40B, đoạn huyện Bắc Trà My - giáp tỉnh Kon Tum, dài 45 km, dự kiến kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Nam chịu kinh phí giải phóng đền bù.

Ngoài ra, đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược vùng Sâm Ngọc Linh, dài 60 km, dự kiến kinh phí khoảng 911 tỷ đồng.

Đề xuất Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng cũng còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết như:

Theo Nghị định số 84 của Chính phủ, sâm Ngọc Linh (tự nhiên) thuộc nhóm IA do Cơ quan quản lý CITES cấp mã số cơ sở nuôi, trồng vì mục đích xuất khẩu. Nhưng đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để xác định thế nào là sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo.

Do đó, rất khó khăn trong việc tham mưu, đề xuất cấp mã số cho cơ sở nuôi, trồng đối với sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và triển khai phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng đến xuất khẩu đối với sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Qua đó, ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất, quản lý cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Để thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam. Kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển sâm tại Quảng Nam như Vingroup, TH True milk.

Chọn 1 ngày trong năm người dân Việt Nam dùng Sâm Việt Nam, tỉnh Quảng Nam đề xuất ngày 1/8 hằng năm.

snl1(1).jpg
Tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam

Quảng Nam cũng đề xuất Bộ NN&PTNT quan tâm hướng dẫn việc thuê dịch vụ môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu. Bộ VHTT&DL thống nhất tổ chức Lễ hội Sâm quốc gia tại Quảng Nam vào năm 2025; Chương trình phát triển du lịch Sâm Việt Nam.

Bộ Y tế sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; có cơ chế đưa sản phẩm Sâm Việt Nam vào bảo hiểm y tế…

Hiện diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nàm là .567 ha. Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng đang nghiên cứu trồng di thực Sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng Sâm Ngọc Linh…

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc phát triển Sâm Ngọc Linh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Trong đó có vướng mắc về cho thuê môi trường rừng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu…

Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng cho cây Sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu khác trồng trên đất Lâm nghiệp, dưới tán rừng tự nhiên.

Ngoài ra, việc thu hút đầu tư, phát triển, xây dựng hình thành các nhà máy, khu công nghiệp dược còn nhiều hạn chế; chưa có sự tham gia của tập đoàn kinh tế lớn với tiềm lực đủ mạnh trong việc trồng, phát triển và chế biến cây Sâm Ngọc Linh...

Hải Nam