Đời sống

Sinh viên, người lao động 'nghẹt thở' vì giá thuê trọ tăng cao

Văn Lập 26/06/20 - 14:50

Thuê được một phòng trọ hay chung cư mini ưng ý, với đầy đủ các tiêu chí như đảm bảo an toàn, an ninh, giá cả phải chăng, tiền điện nước hợp lý ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh là một trong những vấn đề khó khăn đối với mỗi sinh viên hay người lao động.

Ngày nay, khi đất nước ngày càng phát triển, nhiều trường học và ngành học mới được mở rộng cùng với việc chú trọng phát triển thông tin và mạng lưới đô thị hóa, nhu cầu việc làm và môi trường học tập càng được đẩy mạnh.

Xu hướng đổ dồn về các tỉnh, thành phố lớn để học tập và làm việc ngày càng tăng cao. Đi kèm với đó, nơi ăn ở, ngủ nghỉ trở thành một trong những vấn đề tất yếu không thể thiếu.

Đáp ứng nhu cầu này, nhiều phòng trọ và chung cư mini dành cho sinh viên và người lao động mọc lên với giá cho thuê cao ngất ngưởng, khiến giá thị trường cho thuê phòng tăng mạnh trong những năm gần đây. Không chỉ riêng tiền phòng trọ, mà tiền điện cũng được tăng lên gấp đôi so với giá điện của Công ty Điện lực đề ra.

337-2006261053441.png
Những phòng trọ có giá khoảng 3 triệu – 4,5 triệu đồng/tháng thường chỉ có nội thất cơ bản. Ảnh: Hồng Minh

Theo thông tin mới nhất từ Công ty Điện lực, Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 8/11/2023 về bảng biểu giá điện bán lẻ điện sinh hoạt cho các hộ gia đình theo các bậc thang khác nhau sẽ được áp dụng từ ngày 9/11/2023. Tuy nhiên, khi bảng giá điện đến tay sinh viên và người lao động thuê trọ, giá lại tăng gần gấp đôi, với mức giá chung là 3.800 đồng đến 4.000 đồng/kWh.

Chị H.T.T ( tuổi, từng là sinh viên trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội) cho biết, hiện chị đang thuê một căn phòng cùng bạn khoảng 20m2 ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trước đây, sinh viên khi đi thuê trọ, tổng giá phòng và giá điện một tháng chỉ rơi vào khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng đối với phòng đơn. Nhưng hiện nay, để giảm bớt chi phí, chị đã phải thuê chung, nhưng giá ngày càng tăng cao. Một tháng chị phải chi trả trên 2,5 triệu đồng cho tổng cả điện, nước và tiền phòng. Tính ra, giá điện chiếm một nửa số tiền với giá chung là 4.000 đồng/kWh. Biết là chủ trọ thu giá cao hơn so với giá chung, nhưng vì mặt bằng giá chung ở các nơi cho thuê khác đều như vậy, không có sự lựa chọn nào khác.

Chị nói: “Không chỉ riêng tiền phòng, điện nước, ngày nay vật giá leo thang tăng cao, mà giá điện nước tiền phòng cứ ngày một tăng. Không biết có thể cầm cự ở Hà Nội được bao lâu nữa”.

337-2006261053442.jpg
Phí dịch vụ chung cư mini

Anh N.D.G (sinh năm 1999, hiện đang thuê một phòng trọ ở khu vực Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy), chia sẻ: “Với mức giá điện cao như vậy, hàng ngày để giảm bớt tiền điện, tôi thường đi làm từ 8h sáng đến 6h chiều, về phòng chỉ sử dụng quạt điện là chủ yếu. Những hôm nắng nóng đỉnh điểm mới sử dụng điều hòa, nhưng chỉ hạn chế trong thời gian nhất định và khi sử dụng điều hòa đồng nghĩa với việc sẽ giảm sử dụng những đồ điện khác trong phòng”.

Không chỉ riêng chị T., còn rất nhiều trường hợp sinh viên và người lao động khác cũng gặp tình trạng giống chị. Họ đều biết nhưng không có sự lựa chọn nào khác.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều khu trọ ở các quận như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân,... có rất nhiều khu trọ cho thuê với nhiều kiểu khác nhau, từ đầy đủ tiện nghi đến không có gì, với những mức giá khác nhau. Tuy nhiên, giá điện đều được đưa ra ở mức 3.800 đồng đến 4.000 đồng/kWh. Một số nơi có giá rẻ hơn một chút cho cả giá phòng và giá điện so với mặt bằng chung, nhưng phòng lại không đảm bảo tốt về an ninh và an toàn. Điều này khiến người thuê trọ đành ngậm ngùi chấp nhận mức giá mà chủ hộ đưa ra và coi đó là mặt bằng giá chung.

Mặc dù đã từng được khuyến cáo từ Tổng Công ty Điện lực Hà Nội về việc nên làm thủ tục tạm trú, tạm vắng để được áp dụng mức giá điện theo hộ gia đình, nhưng do tính chất đi thuê cũng như không ở lâu dài, rất nhiều bạn trẻ ngại vấn đề thủ tục rườm rà mà chấp nhận mức giá chung của chủ trọ.

Văn Lập