Tạo vốn, sinh kế để người chấp hành xong án phạt tù hoàn lương
Trong quá trình đấu tranh, trấn áp tội phạm, cơ quan chức năng nhận thấy nhiều trường hợp thuộc diện tái phạm hoặc đã có tiền án, tiền sự do không hòa nhập được cộng đồng. Tạo vốn và sinh kế cho người chấp hành xong án phạt tù là cách làm hay của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, để con đường hoàn lương ngắn hơn.
Công an tỉnh Thanh Hóa và Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giai đoạn 20- 2028.
Thực hiện Quyết định số 22 của thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an tỉnh Thanh Hóa và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong đó, các đơn vị đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt mục đích, ý nghĩa và nội dung, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đến các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng theo quy định.
Kết quả, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 20, toàn tỉnh đã có 296 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền gần 26,6 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù đủ điệu kiện.
Phát huy kết quả đạt được, Công an tỉnh Thanh Hóa và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ giúp người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vay vốn từ Ngân hành Chính sách xã hội, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin giữa Công an tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; giữa Công an cấp huyện, cấp xã và Phòng giao dịch Ngân hành Chính sách xã hội cấp huyện.
Nội dung chương trình phối hợp nhằm thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Quyết định số 22 để tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn, giải quyết. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, nhất là việc duy trì, tổ chức các “Phiên chợ việc làm” nhằm hỗ trợ, tư vấn cho người chấp hành xong án phạt tù và các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù về trình tự, thủ tục pháp lý, tài chính và đào tạo nghề.
Qua đó, phát triển kỹ năng nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, sản xuất, kinh doanh, giúp họ nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội. Giúp người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, làm giảm nguy cơ tái phạm tội và góp phần bảo đảm tốt an ninh trên địa bàn.
Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là chương trình mới, có tính nhân văn sâu sắc. Do đó, Công an các địa phương cần chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tuyên truyền, rà soát đối tượng vay vốn, cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện cho các Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Thanh Hóa để làm căn cứ cho vay và theo dõi việc sử dụng vốn và sau giải ngân.
Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đảm bảo nguồn vốn vay đúng quy định, đúng đối tượng và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; tổng hợp các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.
Không chỉ được vay vốn, hỗ trợ sinh kế khi chấp hành xong án phạt tù, các phạm nhân còn được các đơn vị, cơ quan tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngay trong thời điểm đang chấp hành án.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt đối với người đang chấp hành án phạt tù còn có ý nghĩa quan trọng hơn. Nhằm thông tin, tuyên truyền để phạm nhân hiểu rõ chủ trương, chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 27 Luật Thi hánh án hình sự 2019 về quyền của phạm nhân: “Được tham gia BHXH tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về BHXH theo quy định của pháp luật”.
Luật BHXH 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng người đang hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam hay hưởng án treo từ ngày 1/1/2016 trở đi vẫn tiếp tục được hưởng lương hưu, chế độ hưu trí như bình thường. Trong thời gian chấp hành hình phạt tù, pháp luật BHXH cho phép người lao động được làm giấy ủy quyền cho người khác nhận lương hưu thay cho mình.
Con người thường bị tác động bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh và tự thân nên khó tránh khỏi những vấp ngã, sai lầm. Đứng dậy, sửa chữa lại sai lầm của mình sau khi chấp hành xong án phạt tù là việc rất cần thiết để bù đắp lại cho người thân, gia đình trong một thời gian bị cách ly với xã hội.
Ngoài quyết tâm của người chấp hành xong án phạt tù, cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp, khu phố cũng cần tạo điều kiện để những con người lầm lỗi sớm hòa nhập với cộng đồng, sống bằng chính mồ hôi, sức lực, trí tuệ của mình để nuôi bản thân, gia đình và cống hiến cho xã hội.