Vấn đề quan tâm

Đề xuất nâng mức hỗ trợ khôi phục sản xuất cho vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

Nguyễn Cúc 05/07/20 - 05:43

Bộ NN&PTNT đề xuất điều chỉnh nâng mức hỗ trợ đối với cây trồng, cây lâm nghiệp, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật cho phù hợp với kinh phí để khôi phục sản xuất hiện nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ra Dự thảo Tờ trình về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật. Theo đó, nội dung điều chỉnh cụ thể như sau:

lua-16589223775834518919.jpg
Hình minh họa

Về đối tượng hỗ trợ, theo đúng hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định đã được thông qua, có thiết kế lại cho tương đồng với Dự thảo Nghị định về hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật bao gồm điều chỉnh tên gọi một số đối tượng cho phù hợp với cách sử dụng từ ngữ trong quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan mới được ban hành như Luật Thủy sản 2017, Luật Chăn nuôi năm 2018.

Về nguyên tắc hỗ trợ, cơ bản được kế thừa các quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và tương đồng với Dự thảo Nghị định quy định về chích sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật.

Về nội dung và mức hỗ trợ, dự thảo Nghị định kế thừa các nội dung hỗ trợ kinh phí cho cơ sở sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật. Điều chỉnh bỏ phần nội dung hỗ trợ dịch bệnh động vật.

Điều chỉnh nâng mức hỗ trợ đối với cây trồng, cây lâm nghiệp, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật cho phù hợp với kinh phí để khôi phục sản xuất hiện nay (tăng so với mức hỗ trợ cũ từ 1,33-3,7 lần).

Trong đó, đối với cây trồng hỗ trợ theo loại cây trồng và giai đoạn gieo trồng; đối với cây lâm nghiệp, hỗ trợ theo diện tích cây rừng, cây lâm nghiệp lấy gỗ và diện tích cây giống ươm trong giai đoạn vườn; đối với nuôi trồng thủy sản, lấy tương đồng theo Dự thảo Nghị định về hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật; đối với vật nuôi hỗ trợ theo ngày tuổi nuôi và đơn vị tính là con (khác về đơn vị tính và mức hỗ trợ so với Dự thảo Nghị định hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật do đặc thù thiệt hại về thiên tai khác so với thiệt hại do dịch bệnh); đối với sản xuất muối hỗ trợ theo diện tích muối bị thiệt hại.

Về điều kiện hỗ trợ, Dự thảo Nghị định điều chỉnh, bổ sung điều kiện hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh thực vật.

Cụ thể: Sản xuất không trái với quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương; đã kê khai hoạt động chăn nuôi (trừ trường hợp không phải kê khai) theo quy định của pháp luật về chăn nuôi hoặc đã đăng ký, cấp phép nuôi trồng thủy sản (trừ trường hợp không phải đăng ký, cấp phép) theo quy định của pháp luật về thủy sản;

Đã công bố dịch bệnh (đối với trường hợp đủ điều kiện công bố dịch bệnh theo quy định của pháp luật chuyên ngành) hoặc có văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành xác định mắc dịch bệnh thực vật;

Đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh thực vật theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nhưng vẫn xảy ra thiệt hại.

Theo Bộ NN&PTNT, Nghị định số 02 ban hành từ năm 2017, do đó có một số khái niệm về cây trồng, vật nuôi thuộc nội dung trồng trọt, lâm nghiệp, thuỷ sản chưa phù hợp với các luật mới ban hành dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Mức hỗ trợ trong Nghị định số 02 được xây dựng từ năm 2017 là thấp và không phù hợp với thời điểm hiện tại. Hiện nay chi phí sản xuất, giá thị trường thay đổi theo chiều hướng tăng lên rất nhiều so với trước đây nên mức hỗ trợ trong Nghị định số 02 chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu cho việc khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiên tai, dịch bệnh; một số loại cây trồng, vật nuôi, hình thức nuôi chưa được quy định trong Nghị định dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục hỗ trợ vẫn còn những tồn tại, bất cập khi thực hiện kê khai thủ tục hỗ trợ. Một số thủ tục còn phức tạp, không phù hợp với thực tế nên sau khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra vẫn chưa triển khai hỗ trợ được cho một số đối tượng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Nguyễn Cúc