Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm
Bộ Tài chính vừa hoàn thành tờ trình trình Chính phủ, đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) trong 5 năm, kể từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030.
Đề xuất trên của Bộ Tài chính dựa trên kết quả thực hiện việc miễn thuế SDĐNN trong 20 năm qua. Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, việc miễn thuế đã đạt hiệu quả trong từng giai đoạn.
Trong 20 năm qua, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm trong giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Cụ thể, nếu như giai đoạn đầu (giai đoạn 2001-2010) thực hiện miễn, giảm thuế SDĐNN, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam từ 1 con số đã tăng lên 2 con số. Cụ thể: Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 4,7 tỷ USD; năm 2005, đã tăng lên 8,5 tỷ USD, gấp 2,1 lần năm 2001; năm 2007 đạt 10,9 tỷ USD và đến năm 2010 đạt 19, tỷ USD (tăng gần 5 lần so với năm 2001).
Giai đoạn tiếp tục mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế SDĐNN và tiến tới miễn thuế SDĐNN (2011-2018), kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam lọt vào top nước xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 25 tỷ USD.
Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt khoảng 40,5 tỷ USD (tăng 10 lần so với năm 2001). Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2019, 2020 vẫn đạt con số ấn tượng 41,2 tỷ USD.
Giai đoạn giai đoạn kéo dài thời hạn miễn thuế SDĐNN theo Nghị quyết số 107/2020/QH14 (2021-2023) đã nâng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng từ 48,70 tỷ USD (năm 2021) lên 53,22 tỷ USD (năm 2022, 2023).
Từ thực tiễn trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN trong giai đoạn 2026-2030 là cần thiết nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế hậu khủng hoảng, góp phần động viên người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống, đồng thời cũng đảm bảo phù hợp với quan điểm về nông nghiệp, nông thôn theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.