Cần quy định chi tiết hơn vấn đề cho thuê các loại hình bất động sản
Ngày 5/7, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Kinh doanh bất động sản cho thuê: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn” với mong muốn có cái nhìn tổng thể, có hệ thống các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực kinh doanh này và thực tiễn những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt.
Tham dự tọa đàm có đại diện Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư Pháp, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT; Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp, ngân hàng, Luật sư…
2 nhóm vấn đề chính được chuyên gia luận bàn chuyên sâu
Phát biểu tại tọa đàm, Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam cho biết, trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta có nhiều đạo luật liên quan đến bất động sản, trong đó có bất động sản cho thuê.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản cho thuê được quy định rất rõ trong Luật Kinh doanh bất động sản từ năm 2006; Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 năm 2014 và mới đây nhất là Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH được Quốc hội thông qua ngày 28/11 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/20.
Theo Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến, bất động sản cho thuê là mảng quan trọng của thị trường bất động sản, liên quan đến việc cung cấp các tòa nhà, căn hộ, tài sản thương mại để người khác sử dụng trong một khoảng thời gian cụ thể dưới dạng hợp đồng thuê. Việc cho thuê bất động sản mang lại nhiều lợi ích như nguồn lợi nhuận tương đối lớn, an toàn, có tính bền vững; nhu cầu thuê bất động sản lớn; tính đầu tư bền vững và khả năng kiểm soát tài sản cao.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh này liên quan đến nhiều quy định của pháp luật. Ngoài những quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản thì còn áp dụng như Luật Doanh nghiệp; Luật Phòng cháy chữa cháy; Luật Đầu tư; Luật Cư trú, bảo hiểm…
Thông qua buổi tọa đàm, Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến mong muốn có một cái nhìn tổng thể, có hệ thống các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực kinh doanh này và thực tiễn những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt các chuyên gia, nhà làm luật, Luật sư và doanh nghiệp luận bàn góp phần vào việc xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự an toàn pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cho thuê, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên trong giao dịch về thuê mua bất động sản ở Việt Nam.
Tại tọa đàm, 2 nhóm vấn đề chính gồm Cơ sở pháp lý và những quy định pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh bất động sản cho thuê; Tháo gỡ vướng mắc và các chính sách phát triển ngành nghề kinh doanh bất động sản cho thuê được các chuyên gia luận bàn một cách chuyên sâu, thẳng thắn, khách quan đa chiều
Cần quy định chi tiết hơn vấn đề cho thuê các loại hình bất động sản
Tiến sĩ Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) nhìn nhận, từ sau đại dịch Covid 19 đến nay, giá đất, thị trường bất động sản nói chung và cho thuê bất động sản nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ở những thành phố lớn, làn sóng trả mặt bằng kinh doanh ở mức cao vì kinh tế khó khăn, diễn biến thị trường không ổn định khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư phải co cụm, trả mặt bằng để phòng thân.
Tiến sĩ Trần Minh Sơn cũng chỉ ra một số vướng mắc khó khăn trong hoạt động cho thuê bất động sản như nguồn cung của những bất động sản cho thuê phù hợp với mức lương người lao động đang giảm xuống, bất động sản cho thuê xa sỉ tăng lên cao chót vót; hiện tượng thổi giá khi có quá nhiều môi giới bất động sản cho thuê; chính sách giá điện, nước của chính phủ áp dụng với bất động sản cho thuê không được các chủ cho thuê bất động sản áp dụng; tồn tại nhiều sai phạm trong quá trình kinh doanh bất động sản cho thuê gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người thuê trọ…
Khẳng định hệ thống pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản cho thuê đang ngày một chuyến biến và hoàn thiện theo hướng tích cực, tuy nhiên theo Tiến sĩ Trần Minh Sơn cần đáp ứng thêm điều kiện đủ để thị trường bất động sản cho thuê phát triển. Quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện đường lối, chính sách pháp luật như thế nào để có thể áp dụng vào đời sống xã hội, hạn chế những tiêu cực trong hoạt động cho thuê bất động sản.
“Đầu năm 20 đến nay, chúng ta đã phải chứng kiến thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người qua những vụ cháy chung cư mini. Điển hình là vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ dẫn đến hàng chục người chết. Lí do là vì xây dựng chung cư mini trái phép và vi phạm nghiêm trọng phòng cháy chữa cháy. Chính vì lẽ đó, tôi đề nghị có những quy định chi tiết hơn trong vấn đề cho thuê các loại hình bất động sản trên thị trường để tránh thiếu sót pháp luật, tạo khe hở cho các chủ cho thuê bất động sản vi phạm dẫn đến những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng”, Tiến sĩ Trần Minh Sơn kiến nghị.