Phiên họp 50 UBTVQH: “Nng” vấn đề bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Cng Thương v Fomosa
Chính trị - Ngày đăng : 20:, 11/07/2016
Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nếu không có đột xuất thì đây là phiên họp cuối cùng của Thường vụ để chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Nội dung Phiên họp thứ 50 đề cập gồm: Tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; Cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2017; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 50 của UBTVQH
Cho ý kiến về cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Đà Nẵng; Cho ý kiến về việc chuyển Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam về Quốc hội.
Trong sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.
Đề nghị kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Công Thương
Phát biểu tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và một số cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ tại sao đến cuối nhiệm kỳ dư luận lại phản ánh một số Bộ ngành bổ nhiệm cán bộ ào ạt.
Vì vậy, bà Nga cho rằng ở một số bộ, ngành có dư luận phản ánh việc bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ ồ ạt thì Chính phủ cần có sự kiểm tra lại.
“Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra như ở Thanh tra Chính phủ dư luận phản ánh nhiều. Bộ Công Thương cũng có ý kiến phản ánh về việc bổ nhiệm", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.
Bà Nga cho rằng việc kiểm tra này không hẳn quá khó khăn vì ai đủ điều kiện, ai không đủ điều kiện có thể biết được.
"Nên làm một cách rõ ràng để xác định có việc như vậy không? Báo chí, dư luận phản ánh có đúng không? Đề nghị Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ, tránh đến giai đoạn cuối nhiệm kỳ thì ở một số cơ quan trước khi chuyển giao nhiệm vụ lại có phản ánh vấn đề này", bà Lê Thị Nga đặt vấn đề.
Kiểm tra, rà soát việc xả thải của các dự án và báo cáo Quốc hội
Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, bên cạnh thảm họa môi trường nghiên trọng làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung do Fomosa gây ra vừa qua, trước đây chúng ta có nhiều sự cố môi trường xảy ra như vụ xả thải của Vedan, Hào Dương, Nicotex Thanh Thái... Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ thực hiện đúng đề xuất Ủy ban Kinh tế, tập trung rà soát, kiểm tra các nguồn thải vào các lưu vực sông, quản lý, kiểm soát chặt chẽ môi trường sông, biển; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện thanh tra, kiểm tra việc xử lý chất thải tại các dự án đầu tư lớn đang triển khai, hoạt động. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy chuẩn về môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Về báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ kiểm tra lại, đánh giá lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án mà có nguy cơ ô nhiễm cao, dư luận bức xúc. Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, thực tế, có nhiều dự án mà chất lượng bản báo cáo đánh giá tác động môi trường rất kém, mang tính đối phó, vừa không đáp ứng quy định của luật, thậm chí, một số bản báo cáo đánh giá tác động môi trường, như báo chí phản ánh, là coppy từ các dự án khác nhau. “Đề nghị Chính phủ kiểm tra tất cả các bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án chúng ta nghi gây ô nhiễm môi trường, xem có đáp ứng với yêu cầu và quy định hay không, có những bản báo cáo đánh giá tác động môi trường coppy như báo chí nêu hay không, nếu có thì làm rõ trách nhiệm thuộc về ai?” Chủ nhiệm Lê Thị Nga phát biểu.
Liên quan đến hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các vấn đề, vi phạm của Fomosa liên quan đến sự cố này, trong đó có vấn đề về sử dụng lao động nước ngoài tại dự án này.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 53 hành vi vi phạm hành chính, liên quan đến vấn đề thiết kế, lắp ráp, vận hành, thi công. Rồi trong quá trình vận hành, chúng ta thấy xảy ra các sự cố; việc triển khai các hệ thống xử lý có những chỗ chưa đúng với các quy định của pháp luật, quy định của các cơ quan chức năng.
“Trong 53 hành vi vi phạm, có 1 hành vi nghiêm trọng là Fomosa tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ xử lý cốc khô (loại công nghệ thân thiện) sang công nghệ cốc ướt (loại công nghệ phát tán nhiều chất thải nguy hại), vi phạm các quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin. Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hệ thống xử lý chất thải của Fomosa nếu vận hành đầy đủ, đúng quy định và có sự kiểm tra chặt chẽ thì hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kiểm soát và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Hiện, Chính phủ đã và đang triển khai đồng bộ các hoạt động thanh tra, giám sát, yêu cầu đơn vị này khắc phục toàn bộ các tồn tại.
Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, phần đánh giá, dự kiến trong báo cáo của Chính phủ chưa rõ. Vụ Formosa giải quyết bước đầu rất tốt, nhưng tiềm ẩn sâu sa còn rất nhiều vấn đề. Ví dụ bao giờ chúng ta khắc phục được môi trường? Để nghề cá thực hiện được, ngành du lịch tiếp tục thực hiện thì liệu đến bao giờ? Về việc giải ngân tiền đền bù của Formosa sẽ giải quyết như thế nào? Các cơ quan trách nhiệm ra sao để tiền đó đến được với dân? Nếu không giải quyết những vấn đề đó, thì vấn đề gì sẽ xảy ra?...
“Riêng tôi thấy vụ Formosa đây là vấn đề tiềm ẩn rất lâu dài, nếu không có dự kiến, lường trước thì tình hình diễn biến sẽ rất phức tạp. Và không đơn giản về mặt kinh tế, mà gắn với quốc phòng - an ninh. Có thực hiện được tăng trưởng GDP không thì đây là vấn đề tác động rất lớn”, ông Đỗ Bá Tỵ nói.