Đời sống

'Nước' trong văn hoá âm nhạc truyền thống Nam Bộ

Kim Sáng 08/07/20 - 11:29

Yếu tố "nước" trong văn hoá âm nhạc truyền thống Nam Bộ có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nên đặc trưng cốt lõi bản sắc văn hóa vùng miền. Vậy "nước" ở đây là gì?

Tối 7/7, rất đông người dân, du khách nước ngoài có mặt tại đường sách TP.HCM theo dõi buổi tọa đàm văn hóa văn nghệ với chủ đề “Giá trị giao thoa văn hóa âm nhạc truyền thống Nam Bộ”.

Chủ đề mang tính cổ xưa, nhưng chương trình lại thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là những người yêu văn hoá Nam Bộ.

Tại toạ đàm, nhiều chi tiết thú vị đã được các diễn giả chia sẻ, đơn cử như điệu múa Khmer trên nền bài Lưu thủy, một sự kết hợp độc đáo ít người biết đến.

z56126026820_d29a2d77a0be846db3da37669e52b57e.jpg
Bài múa Khmer được múa trên nền bài Lưu thủy.

Lưu Thủy cũng chính là bản đầu tiên trong 20 bài bản tổ của đờn ca tài tử Nam Bộ, nghĩa là nước chảy.

Câu hỏi "tại sao bài múa Khmer không múa trên nền âm nhạc dân tộc Khmer mà được múa trên nền bài Lưu thủy, một trong những bài bản cổ và được sử dụng nhiều trong đờn ca tài tử?" cũng được giải đáp tại chương trình.

TS Nguyễn Lê Tuyên đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo Quốc gia Úc, cựu Giảng viên trường Đại học Quốc gia Úc đã công bố bức ảnh từ những năm 1900.

Bức hình gồm cô vũ công người Pháp mặc trang phục truyền thống Khmer đang múa cùng vũ đoàn, ở phía phải là hình ảnh ban nhạc đờn ca tài tử có đờn tranh, kìm, gáo… đang đệm cho nghệ sĩ múa.

z56127412792_c21463716a8c9be70fa84d279f7411.jpg
Rất đông người dân, du khách nước ngoài đến tham gia chương trình.

Theo tìm hiểu, đây là ban tài tử của ông Nguyễn Tống Triều.

Khi tìm hiểu sâu hơn, ông Tuyên biết đây là bức ảnh được chụp tại Nhà hát Đông Dương trong cuộc triển lãm toàn cầu tại Pháp.

Cô đào nổi tiếng của Pháp Cleo de Merode mặc trang phục truyền thống và múa truyền thống Khmer trên nền âm nhạc tài tử.

"Tôi chỉ đọc và biết đó là bài bản cổ, từ tiếng Pháp dịch ra nghĩa là "Nước chảy", khi trao đổi với Ths Huỳnh Khải, cựu Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống –Nhạc viện TP.HCM thì xác định bài nhạc phần lớn là giai điệu của bài Lưu thủy, có một số âm giai của dân tộc Khmer và vài giai điệu khác ở Nam Bộ…", TS Nguyễn Lê Tuyên chia sẻ.

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn chia sẻ nhiều thông tin quý giá về sự giao thoa của văn hóa âm nhạc truyền thống Nam Bộ.

z56126209142_26d3daa8eeffa3f88cf069a75f79b65a.jpg
Tọa đàm văn hóa văn nghệ với chủ đề “Giá trị giao thoa văn hóa âm nhạc truyền thống Nam Bộ” do CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ tổ chức.

Đặc biệt, tại chương trình, yếu tố "nước" trong văn hoá âm nhạc truyền thống Nam Bộ đã được làm rõ.

Ths, Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ nhấn mạnh, trong văn hóa, âm nhạc truyền thống Nam Bộ, yếu tố "nước" không chỉ là nước hiện diện ở con sông, kênh rạch mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cách sống, tư duy và cảm thức âm nhạc của người Nam Bộ.

Âm hưởng của nước trong âm nhạc thể hiện qua những giai điệu mềm mại, trữ tình, uyển chuyển như sóng nước.

Các nhạc cụ như sáo, đàn bầu, đàn tranh cũng như các thể loại như dân ca, tân cổ giao duyên đều thể hiện rõ nét sắc thái âm nhạc gắn liền với yếu tố thủy thanh.

z56147747894_1dc4ad7fea4e0202c274c395b1e08cb8.jpg
Nhiều giá trị văn hoá, âm nhạc truyền thống Nam Bộ được làm rõ tại toạ đàm.

"Việc hiểu và vận dụng yếu tố "nước" trong âm nhạc truyền thống Nam Bộ là rất quan trọng, vì đây là một trong những đặc trưng cốt lõi của bản sắc văn hóa vùng này", diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ.

Chương trình càng sôi nổi hơn khi đề tài cây đàn ghi-ta phím lõm xuất hiện trong âm nhạc truyền thống Nam Bộ và thể loại tân cổ giao duyên, sản phẩm của sự giao thoa văn hóa, kết hợp giữa cổ điển và hiện đại.

Tất cả đã tạo ra những giai điệu vừa mang âm hưởng truyền thống, vừa tiếp thu các yếu tố mới, làm phong phú thêm cái đẹp của âm nhạc cải lương và cũng là một ví dụ điển hình về sự kết hợp giữa các yếu tố Đông - Tây.

Kim Sáng