Sức Khỏe

Những vaccine nào có thể phòng, chống được bệnh bạch hầu?

Minh Lý 10/07/20 21:37

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu hình que (Corynebacterium diphtheriae) gây ra, được đặc trưng bởi quá trình viêm cùng với sự hình thành màng fibrin tại vị trí xâm nhập của tác nhân, ngoại độc tố đi vào máu gây nhiễm độc cho cơ thể với những biến chứng nặng.

Những điều cần biết về bệnh bạch hầu

Nguồn truyền nhiễm và đường lây truyền bệnh bạch hầu: Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn; đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

Thời gian ủ bệnh: từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn.

Thời kì lây truyền thường không cố định. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kì khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kì ủ bệnh. Thời kì lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần, rất hiếm trường hợp kéo dài tới 6 tháng. Điều trị kháng sinh có hiệu quả nhanh chóng sẽ chấm dứt sự lây truyền.

bachhau.jpg
Bệnh bạch hầu lây nhiễm qua đường không khí.

Phương thức lây truyền: Lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu còn có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da.

Thông thường vi khuẩn bạch hầu nhân lên ở trên bề mặt hoặc gần bề mặt màng nhầy của cổ họng. Khi người bệnh/ người lành mang vi khuẩn bạch hầu ho hoặc hắt hơi sẽ bắn ra môi trường xung quanh những giọt nhỏ có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người...

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu

Trẻ em và người lớn ở mọi độ tuổi có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đi du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu, nhưng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Những người suy giảm miễn dịch; Người sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh.

Theo đại diện Trung tâm Tiêm chủng, Viện Kiểm định vaccine (Bộ Y tế), để bảo vệ người dân phòng tránh được dịch bệnh bạch hầu, cách tốt nhất và hiệu quả nhất hiện nay chính là tiêm phòng vaccine.

Hiện có các loại vaccine dịch vụ, người dân có thể chủ động tiêm để phòng bệnh bạch hầu như:

Vaccine Adacel: Là vaccine được chỉ định gây miễn dịch chủ động cho người từ 4-64 tuổi. Vaccine Adacel có thể được lựa chọn cho liều thứ 5 của vaccine Bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào (DTaP) tiêm cho trẻ 4-6 tuổi.

Vaccine sử dụng cho người lớn tiêm một mũi, và cần nhắc lại sau 5-10 năm nhằm tăng cường miễn dịch đối với các bệnh Bạch hầu - uốn ván - ho gà.

Vaccine Tetraxim: Được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi.

Lịch tiêm của vaccine là tiêm 3 mũi cơ bản:

- Mũi 1 tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.

- Mũi 2: Tiêm vào thời điểm 1 tháng sau mũi 1.

- Mũi 3: Tiêm vào thời điểm 1 tháng sau mũi 2.

- Mũi nhắc lại: Tiêm 1 mũi 1 năm sau loạt chủng ngừa cơ bản.

Ngoài ra có thể tiêm nhắc lại 1 mũi khi được 5 đến 13 tuổi.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, nên cho trẻ tiêm các mũi phòng bệnh nhắc lại vào các thời điểm khi trẻ đến mốc 16-18 tháng tuổi, mốc 4-7 tuổi, mốc 9- tuổi vì khả năng bảo vệ của vaccine phòng bạch hầu bị suy giảm theo thời gian.

bach-hau.jpg
Ảnh minh họa (TTXVN).

Bên cạnh đó, các trường hợp như: Phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người trên 50 tuổi, người mắc bệnh mãn tính cũng nên tiêm vaccine để phòng bệnh bạch hầu.

Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc-xin thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cao (lên đến 97%) nhưng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh.

Minh Lý