Pháp đình

Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị 22- năm tù trong vụ án thứ 3

Phong Vân 11/07/20 - 10:26

Sáng 11/7, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1969, Cựu Chủ tịch Công ty AIC – đang trốn truy nã) và đại diện Viện kiểm sát (VKS) tại Tòa đã đưa ra quan điểm luận tội, đề nghị mức án cho từng bị cáo.

Cụ thể, VKS đề nghị về hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ” đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ 22- năm tù, tổng hợp với bản án trước đó, Nhàn phải nhận 30 năm tù; Trần Mạnh Hà (SN 1971, cựu Phó Tổng Giám đốc AIC) 18-21 năm tù, cộng bản án trước đó, tổng hợp Hà nhận 30 năm tù; Trần Đăng Tấn (SN 1975, Trưởng văn phòng đại diện AIC tại TPHCM) 18-20 năm tù.

img_200711_1003(1).jpg
Đại diện VKSND TP.HCM nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án các bị cáo

Dương Hoa Xô (SN 1960, Cựu Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học) -16 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Trần Thị Bình Minh (SN 1963, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) 8-9 năm tù và Phan Tất Thắng (SN 1968, cựu Phó trưởng Phòng kinh tế ngành - thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) 5-6 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

8 bị cáo là đồng phạm còn lại cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, bị đề nghị từ 4-9 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, buộc Nhàn, Hà, Tấn và Công ty AIC liên đới bồi thường số tiền gây thiệt hại cho trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM.

Đại diện công tố cho rằng, hành vi các bị cáo như cáo trạng truy tố, các bị cáo trong vụ án là những người có trình độ hiểu biết pháp luật nhưng vì tư lợi và cả nhận thức pháp luật chưa đầy đủ đã thực hiện hành vi phạm tội.

Hành vi của các bị cáo rất nghiêm trọng, cần xử nghiêm minh, tuy nhiên khi đưa ra mức án cần xem xét tính chất, vai trò từng bị cáo.

img_200711_100600-1-.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa

Ngoài bốn bị cáo bỏ trốn đã gây cản trở cho công tác điều tra, xét xử vụ án, các bị cáo có mặt trong phiên toà thành khẩn khai báo, tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả. Một số bị cáo có thành tích xuất sắc, gia đình cách mạng, có nhiều đóng góp trong công tác nên cũng cần xem xét.

Theo cáo trạng, quá trình tham gia dự thầu các gói thầu mua sắm trang thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm thuộc dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị Trung tâm CNSH TP.HCM, Nguyễn Thị Thanh Nhàn ( Chủ tịch Công ty AIC) với vai trò chủ mưu đã chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.

Cụ thể, Nhàn thống nhất với đại diện chủ đầu tư là ông Dương Hoa Xô (Giám đốc Trung tâm) tạo điều kiện để Công ty AIC thực hiện các gói thầu tại dự án và sẽ chi tiền cám ơn cho ông Xô.

Nhàn cũng là người đồng ý cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á liên danh thực hiện 3 gói thầu, chỉ đạo cấp dưới thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn... để tạo điều kiện cho Công ty AIC và các công ty do Công ty AIC chỉ định cho tham gia đấu thầu, trúng thầu. Nhàn đã thiết lập các công ty "quân xanh", "quân đỏ" để Công ty AIC trúng 8 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 95 tỷ đồng.

Sau khi trúng thầu, Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới đưa tiền (theo tỷ lệ %) cho ông Xô 6 lần với tổng số tiền là 14,4 tỷ đồng.

Phong Vân