Tiếp tục “giữ lửa”, phát huy khí thế, thực hiện hiệu quả, tốt hơn nữa các phong trào thi đua
Sáng 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Hội đồng. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải) |
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 6 tháng đầu năm 20, năm được coi là bản lề của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự điều hành của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cả nước đạt thành tích cơ bản: kinh tế vĩ mô ổn định kiểm soát lạm phát, tăng trưởng được thúc đẩy, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; được giữ vững, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được tăng cường; đối ngoại được đẩy mạnh, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trần Hải) |
Thủ tướng khẳng định, kết quả 6 tháng đầu năm 20 góp phần chứng minh nhận định của Đại hội lần thứ XIII của Đảng: chúng ta đạt được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới; chứng minh nhận định của Tổng Bí thư: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chính vì vậy, chúng ta cần phát huy khí thế, tiếp tục đà, khí thế này, tiếp tục “giữ lửa”, phát huy, tinh thần tốt hơn các phong trào thi đua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phiên họp này sẽ rà soát công việc thi đua 6 tháng, định hướng công tác thi đua 6 tháng cuối năm; tinh thần là những gì làm tốt, gương điển hình tốt, cách làm hay, đổi mới sáng tạo, hiệu quả đã được khẳng định thì phải được tuyên truyền, nhân rộng; thẳng thắn chỉ ra những gì chưa được của phong trào thi đua, từ đó rút kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.
Thủ tướng lưu ý, vừa qua, chúng ta thực hiện nhiều việc tốt liên quan phát triển hạ tầng chiến lược, có việc làm thần tốc như Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối, dự kiến cuối tháng 7 khánh thành. Công trình này huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các lực lượng như công đoàn, thanh niên, phụ nữ vào cuộc tích cực. Công tác tuyên truyền được thực hiện tốt, tạo hình ảnh tốt trong nhân dân, tạo khí thế, phong trào. Hoặc như phong trào chuyển đổi số, xóa nhà tạm, dột nát đang được triển khai; công tác an sinh xã hội không để ai bị bỏ lại phía sau; làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng chống phá, chia rẽ gây đoàn kết nội bộ. Do đó, chúng ta phải tích cực tuyên truyền với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, hoàn thành các mục tiêu quan trọng mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; không được lơ là, chủ quan mà phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Theo Thủ tướng, phong trào thi đua mà sống được thì phải gắn với lợi ích của quốc gia, dân tộc, vừa có lợi ích của mỗi người.
* Đề cập những công tác trọng tâm năm 20, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương cho biết, năm 20 là năm có ý nghĩa quan trọng quyết định việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phương châm chỉ đạo, điều hành đã được xác định từ đầu năm và tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh” đã đề ra tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/20 của Chính phủ; phát huy những kết quả đạt được, trong 6 tháng cuối năm 20, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải) |
Đôn đốc các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về thi đua, khen thưởng, trọng tâm là Luật Thi đua, khen thưởng và các nghị định quy định chi tiết thi hành; gắn công tác thi đua, khen thưởng với thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng kết, trình Bộ Chính trị Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW; đồng thời đề xuất Bộ Chính trị ban hành chỉ thị mới về công tác thi đua, khen thưởng. Xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phong trào thi đua đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy pháp luật về thi đua, khen thưởng, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện để triển khai công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tạo sự thống nhất, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Thường xuyên tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp.
Tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 20 và kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm để đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo đột phá hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 20. Tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, huy động toàn diện các lực lượng, các nguồn lực để phấn đấu hoàn thành những chỉ tiêu đã đề ra; tham mưu sơ kết các phong trào thi đua theo kế hoạch; thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát các phong trào thi đua. Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km cao tốc trước ngày 31/12/2025 chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải) |
Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ XI, trên cơ sở đó tổ chức hướng dẫn các cơ quan, tổ chức đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn tổ chức bằng các hình thức phong phú, đa dạng “đại hội thi đua yêu nước", "hội nghị điển hình tiên tiến", "hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt", "hội nghị biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo" bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả.
Đôn đốc các đơn vị chỉ đạo điểm xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội để kịp thời chỉ đạo triển khai trong quá trình tổ chức thực hiện. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI. Tập trung tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; tuyên truyền, biểu dương nhân rộng các phong trào thi đua, các mô hình sáng tạo, hiệu quả, gương người tốt, việc tốt.
Hội đồng thi đua-khen thưởng các bộ, ban, ngành, địa phương tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao năng lực cán bộ thực thi; bảo đảm thực chất, thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát; tránh hình thức, phô trương; tránh tiêu cực, lợi dụng thi đua, khen thưởng vào mục đích cá nhân, lợi ích nhóm.
Đôn đốc các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, thực chất; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chủ động phát hiện, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Chú trọng khen thưởng người lao động, khen thưởng tập thể và cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động đề xuất khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm tốt công tác giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người lao động, người dân, tham gia tích cực vào hoạt động từ thiện, an sinh xã hội; những tấm gương, những việc làm đột phá, thể hiện rõ tinh thần quyết tâm, bản lĩnh của người cán bộ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; các tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội đồng thi đua-khen thưởng các cấp, các ngành, các địa phương chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, sáng tạo, gương “Người tốt, việc tốt” để giáo dục, nêu gương, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, xã hội; động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua; gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cải cách tư pháp, cải cách hành chính; gìn giữ và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.