Đời sống

Đại Từ: Lấy đất nông nghiệp làm điểm dân cư, người dân bức xúc

Nguyễn Liên - Quang Huy 12/07/20 - 10:

Thu hồi đất để xây dựng điểm dân cư, khi đền bù đất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm giá quá thấp, địa phương tính chung 5 năm 1 giá, không áp giá hàng năm khiến người dân bức xúc, không nhận tiền đền bù.

Để mở rộng, phát triển đô thị, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp để xây dựng các điểm dân cư mới. Xã Hoàng Nông, huyện Đại từ là một trong những địa phương có những công trình như vậy.

Địa phương đã thu hồi số lượng lớn đất nông nghiệp để xây dựng dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 Hoàng Nông (tên gọi khác là Hoàng Nông Lakeside). Từ khi triển khai GPMB cho điểm dân cư này, nhiều người dân bức xúc không nhận tiền đền bù, hỗ trợ GPMB vì cho rằng bất hợp lý.

5346d0f1-34df-4088-a2aa-ae1283092833.jpg
Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 Hoàng Nông tại xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên..

Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3439/QĐ-UBND ngày 3/11/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên; được giao đất tại Quyết định số 1366/QĐ-UBND ngày /6/2023 cho Công ty CP Nacico, để sử dụng vào mục đích thực hiện dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 Hoàng Nông. Theo đó, tổng mức đầu tư của Dự án được phê duyệt là 58,3 tỷ đồng. Diện tích đất giao cho nhà đầu tư đợt 1 là gần 3ha.

Được biết, đây là dự án do Nhà nước thu hồi đất, có 67 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Đơn giá bồi thường, GPMB được thực hiện theo Quyết định 46/2019/QĐ-UBND về Bảng giá đất tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020 – 20. Trong đó, giá đền bù đất trồng lúa là 64.000 đồng/m2.

Làm đúng theo quyết định của tỉnh, nhưng việc quyết định áp bảng giá đền bù đất 5 năm một giá là bất hợp lý, gây thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất. Chính vì vậy, nhiều người dân trong xã đã không đồng ý với phương án đền bù, hỗ trợ GPMB của UBND huyện Đại Từ.

Khoản 2 Điều 74, Luật Đất đai năm 2013 (Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất), nêu rõ: “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất". Vì vậy, việc sử dụng đơn giá bồi thường ban hành từ năm 2019, áp dụng vào năm 20 là chưa đúng theo nguyên tắc bồi thường của Luật Đất đai.

Bà Nguyễn Thị Huế (xã Hoàng Nông), cho biết: Gia đình chúng tôi bị thu hồi gần 2.000m2 diện tích đất nông nghiệp, mặc dù gia đình chưa đồng ý nhận đề bù vì còn nhiều điều chưa thỏa đáng, nhưng chính quyền đã thực hiện việc cưỡng chế, đổ đất, phân lô bán nền.

80be29da-848c-4032-83f5-4f88ed99d13d.jpg
Phần diện tích trồng chè (khoanh đỏ) nhà bà Nguyễn Thị Huế bị thu hồi nhưng không được kiểm đếm, đền bù cho cây trồng trên đất.

Bà Huế cho hay, diện tích đất nông nghiệp nhà bà thuộc loại đất trồng lúa nước. Tuy nhiên, vì địa phương là vùng trồng chè nổi tiếng, nhiều năm trước gia đình đã xin lên chính quyền được phép trồng, sản xuất chè trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình vì thu nhập từ cây chè lớn hơn nhiều so với trồng lúa và đã được địa phương đồng ý, bao nhiêu năm nay địa phương không có ý kiến gì. Vậy mà số cây chè trên 2.000m2 đất mà gia đình đã chăm sóc nhiều năm đã bị san phẳng mà không được kiểm đếm, đền bù chút nào khiến cho gia đình hoang mang, lo lắng, không biết cuộc sống sẽ đi về đâu.

“Lợi nhuận từ việc chuyển đất ruộng thành đất ở là rất lớn. Nhiều lô đất liền kề ở đây có diện tích 100m2 được bán với giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Gia đình tôi bị thu hồi gần 2.000m2 đất nhưng chỉ nhận vỏn vẹn có 558 triệu đồng (tiền đền bù đất là 126 triệu đồng), trong khi gia đình vĩnh viễn mất tư liệu sản xuất, đó là điều thiệt thòi. Người dân nơi đây thực sự lo lắng về phương thức kiếm sống của mình bởi không bao lâu số tiền bồi thường ít ỏi sẽ hết?”, bà Huế bức xúc nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Tấn – Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông cho biết, điểm dân cư nông thôn số 1 Hoàng Nông được Công ty Cổ phần NACICO làm chủ đầu tư. Việc đền bù, hỗ trợ GPMB tại địa phương được thực hiện theo Luật Đất đai, các quyết định của UBND tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đến nay hầu hết người dân đã đồng thuận, nhận tiền và giao đất để triển khai dự án. Một số hộ vận động nhiều lần, không đồng ý di dời, huyện phải tổ chức cưỡng chế. Toàn bộ các lô đất sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng được giao cho công ty Nacico bán và nộp lại tiền cho huyện.

Để ổn định tình hình xã hội, tránh thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất tại dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 Hoàng Nông, UBND tỉnh Thái Nguyên cần quyết định lại mức đền bù thu hồi đất nông nghiệp theo thời điểm, không nên gộp cả 5 năm một giá. Việc kiểm đếm, đền bù cần được thực hiện một cách khách quan, thực tế. Cần có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ khó khăn lâu dài với những hộ dân mất nhiều đất. Vì một xã hội phát triển, trước hết hãy lo tới cuộc sống lâu dài của người dân mất ruộng, mất kế sinh nhai.

Nguyễn Liên - Quang Huy