Giao thông

Nỗi lo lắng của người dân khi đèo Khau Lắc cứ mưa là sạt lở

Nguyễn Liên - Minh Tân /07/20 - 18:19

Mùa mưa tới, nhiều hộ dân sống quanh khu vực đào Khau Lắc (thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) lại nơm nớp về nguy cơ sạt lở.

c6484b41-c4c9-4ab4-9a0c-887ab2c0286e(1).jpg
Đèo Khau Lắc. (Ảnh: Minh Tân)

Trong những năm gần đây, hiện tượng sạt lở trên tuyến đường ĐT.188 đoạn dưới chân đèo Khau Lắc, thị trấn Lăng Can (huyện Lâm Bình) đã xảy ra liên tục. Gần đây nhất là cuối tháng 6 và giữa tháng 7/20.

Cứ mỗi trận mưa lớn là hàng trăm tấn đất đá có kích cỡ nhỏ vụn như vừa được thải ra từ máy nghiền, trút rầm rầm từ trên cao xuống đắp thành đống lớn giữa đường ĐT.188. Cũng may sự việc thường xảy ra vào ban đêm, giờ ít người qua lại nên chưa xảy ra thương vong. Tuy nhiên, sau đó thì các phương tiện giao thông phải ngừng cả ở 2 đầu đường để chờ biện pháp khắc phục.

76af27959533376d6e22(1).jpg
Hàng trăm mét khối đất đá được vét sang 2 bên bờ đường, để tạm lưu thông chiều ngày 13/7. (Ảnh: Minh Tân)

Theo ghi nhận của PV Báo Công Lý tại hiện trường sạt lở ngày 13/7, có nhiều phương tiện máy móc hoạt động hối hả. Mặc dù đã được lực lượng san lấp dọn dẹp rất khẩn trương để giải phóng mặt bằng giao thông, nhưng lượng đất đá khủng vẫn còn đắp đống 2 bên lề đường tới hàng trăm mét khối chưa kịp di chuyển.

Điều đáng nói là không hiểu sao biển cảnh báo nguy hiểm lại đặt đúng ở vị trí đất đá sạt lở, khi người tham gia giao thông phát hiện biển báo này có lẽ đã bị đá lăn mà không thể xử lý được kịp thời.

da2ef9104bb6e9e8b0a7(1).jpg
Lực lượng san lấp đang rất khẩn trương dọn dẹp tại chân đèo Khau Lắc chiều ngày 13/7. (Ảnh: Minh Tân)

Trao đổi với PV, một công nhân cho biết, đơn vị họ đã mấy lần phải tu sửa cái đoạn này, cứ đưa máy xúc vào nạo vét dọn dẹp được một thời gian ngắn thì đất đá ở đâu nó lại ùn ùn đổ về. Khả năng đây là đá vụn ngày trước người ta nổ mìn phá đá mở đường còn mắc lại trên các sườn núi dốc, giờ bị xói mòn mới lở ồ ạt xuống...

Anh Nguyễn Văn Lương – người dân sinh sống tại thị trấn Lăng Can lo lắng cho biết, nếu trời có hiện tượng mưa thì tốt nhất là đừng ai đi qua đường đèo Khau Lắc, kẻo đá lăn rất nguy hiểm. Mấy lần xảy ra sạt lở đều vào tầm gần sáng chưa có ai qua lại thôi, hôm vừa rồi cũng vào ban đêm chứ ban ngày thì dễ bị xảy ra tai nạn.

Trao đổi với PV Báo Công Lý về tình hình thiệt hại sau mưa lũ ngày 13/7, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can xác nhận: Hiện tại chưa có thông tin thiệt hại về nhà cửa hoặc tính mạng con người, nhưng trận mưa to khiến nước lũ tràn qua các cánh đồng, gây sạt lở hư hỏng mương máng tưới tiêu và chủ yếu là thiệt hại hoa màu của bà con quanh khu vực thị trấn. Đoạn chân đèo Khau Lắc cũng bị đất đá vùi lấp tắc nghẽn, nhưng cũng đã khắc phục để lưu thông được ngay.

0ada6d98d13e73602a2f(1).jpg
Các phương tiện phải chờ đời khi qua đèo Khau Lắc ngày 22/6. (Ảnh: Minh Tân)

Trước đó, trận mưa lớn kéo dài đêm 21 rạng sáng 22/6 đã gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân trên địa bàn huyện Lâm Bình. Đồng thời, hàng trăm khối đất đá cũng đổ xuống từ trên núi xuống mặt đường ĐT.188 đoạn chân đèo Khau Lắc, đúng vị trí nêu trên, gây ách tắc cục bộ nhiều giờ cho các phương tiện tham gia giao thông. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, UBND huyện Lâm Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan huy động máy móc, phương tiện san gạt, dọn dẹp giải phóng mặt bằng, để đảm bảo giao thông được thông suốt.

Một hiện tượng rất lạ là vách ta luy đường của khu vực này không hề có dấu vết sạt lở, cây cỏ lau lách vẫn phủ xanh kín, không phải sạt lở tại chỗ. Do đó, cũng phần nào nhận định được là những đống đất đá nhiều lần rơi xuống đây được lao từ trên vách núi có độ sạt trượt khủng khiếp, nguy cơ tiếp tục xảy ra những vụ tắc đường, thậm chí tai nạn vùi lấp thảm khốc là rất cao.

Tính tới thời điểm hiện tại thì đèo Khau Lắc đã và đang xuống cấp trầm trọng, do địa hình hiểm trở nhiều vách đá cheo leo, tiềm ẩn những nguy cơ không thể lường trước, cần các chuyên gia về giao thông đánh giá đúng bản chất để xử lý tận gốc vấn đề, thay vì cứ phải liên tục dọn dẹp hao tốn nhân lực, tiền của, mà người tham gia giao thông vẫn phải nơm nớp lo sợ như hiện nay. Tránh tình trạng sạt lở kinh hoàng trên diện rộng, khiến nhiều người thương vong như ở Hà Giang thời gian mới đây.

Đèo Khau Lắc được khởi công xây dựng từ tháng 5/2012 trong dự án nâng cấp đường Thổ Bình - Thượng Lâm.

Đây là con đường huyết mạch nối liền giữa các huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình và Nà Hang với tổng chiều dài 27km, tổng nguồn vốn đầu tư 932 tỷ đồng. Gồm có 4 gói thầu do các đơn vị: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trung Thành; Công ty TNHH Hiệp Phú; Công ty TNHH Vĩnh Bình; Công ty TNHH Hoàng Kim; Công ty cổ phần xây dựng công trình Minh Việt và liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng đảm nhận thi công.

Nguyễn Liên - Minh Tân