Phóng sự - Ghi chép

Truông Bồn - huyền thoại máu và hoa

Hải Yến 16/07/20 08:31

Cách đây hơn nửa thế kỷ, mảnh đất Truông Bồn đã phải hứng chịu hàng nghìn đợt ném bom, bắn phá hủy diệt của máy bay Mỹ. Vươn dậy từ mất mát, đau thương, Truông Bồn đã và đang hồi sinh, phát triển từng ngày cùng quê hương, đất nước, mãi là bản trường ca bất tử trong dòng chảy lịch sử và phát huy giá trị cho đến hôm nay.

avat(2).jpg

Cách đây hơn nửa thế kỷ, mảnh đất Truông Bồn đã phải hứng chịu hàng nghìn đợt ném bom, bắn phá hủy diệt của máy bay Mỹ. Vươn dậy từ mất mát, đau thương, Truông Bồn đã và đang hồi sinh, phát triển từng ngày cùng quê hương, đất nước, mãi là bản trường ca bất tử trong dòng chảy lịch sử và phát huy giá trị cho đến hôm nay.

tile1.jpg

Dù đã đến Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) rất nhiều lần, nhưng mỗi lần trở lại, trong tôi lại dâng lên những cảm xúc mới. Vượt lên con dốc Ba Cấp dài ngót cây số rưỡi, vào đúng lúc hàng thông bạt ngàn reo trên triền đồi nghiêng nghiêng nắng, chúng tôi luôn hồi hộp như lần đầu tiên đặt chân đến. Bởi, nơi đây, mỗi tấc đất, ngọn cỏ, nhành cây... đều mang một câu chuyện, hồn cốt riêng, đêm ngày rì rầm linh thiêng vọng về từ đất Mẹ...

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/20), vào những ngày này, hàng nghìn du khách thập phương trên mọi miền đất nước đang tìm về Khu Di tích lịch sử Truông Bồn với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc.

Ngược dòng thời gian, vào những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo xây dựng tuyến đường chiến lược A và tranh thủ mọi lực lượng, thời gian, vận dụng mọi khả năng vận tải đi qua Truông Bồn để chi viện kịp thời cho chiến trường. Hòng hủy diệt Truông Bồn, cắt đứt mạch máu giao thông của ta, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá.

Từ năm 1964 – 1968, đế quốc Mỹ đã trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân xã Mỹ Sơn, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương. Đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương, trong đó, có 1.0 cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ.

Vậy nhưng, bom đạn giặc Mỹ không thể khuất phục được ý chí và quyết tâm sắt đá của quân và dân ta: “Sống bám cầu, bám đường - chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập - nhưng đường không thể tắc”.

Các lực lượng của quân và dân ta đã giữ vững được mạch máu giao thông, đóng góp trên 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu khối đất, đá, đưa 94.000 lượt xe quân sự vượt qua “Truông” an toàn. Đồng thời, vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng; huy động 4.500 xe đạp thồ, 4.500 xe ba gác... để giải phóng hàng vượt qua “truông” khi bị địch đánh phá, phong tỏa.

5a882c1e-39c9-41ae-b18f-0075ffee2349.jpg
Bà Trần Thị Thông (áo xanh chiến sĩ) người duy nhất sống sót sau trận mưa bom của máy bay Mỹ tại Truông Bồn vào sáng 31-10-1968

Trong cuộc chiến khốc liệt này, tất cả các lực lượng đã chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm. Truông Bồn đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Đặc biệt, địa danh Truông Bồn càng trở nên thiêng liêng, ý nghĩa hơn trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, một phần là do có sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước.

Với lòng biết ơn và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Truông Bồn, ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có Quyết định số 1304/QĐ-CTN, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn, thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.

tile-2.jpg

Từ vùng đất “túi bom, chảo lửa” ngày nào, Mỹ Sơn giờ đây đang được hồi sinh mạnh mẽ với các trang trại, gia trại gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả cho thu nhập khá. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Giữa sự hồi sinh của mảnh đất Truông Bồn, không thể không nhắc đến công trình Khu di tích Lịch sử Quốc gia Truông Bồn được xây dựng trên diện tích gần 22ha, nằm ở tuyến đường chiến lược A – nơi đã từng gắn liền với những năm tháng chiến đấu ác liệt mà hào hùng của quân và dân ta.

3(1).jpg
Truông Bồn mãi là “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với mục đích xây dựng Truông Bồn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 91/QĐ.UBND-CNXD phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Truông Bồn. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 27/10/2010 và cuối năm 2014 chính thức đi vào hoạt động với nhiều hạng mục như: đài tưởng niệm, nhà truyền thống, tháp chuông, sa bàn điện tử “tọa độ lửa” Truông Bồn.

Nổi bật nhất là khu mộ 13 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong. Khu mộ nép mình bên rừng thông già - trước đây vốn là hầm trú ẩn của thanh niên xung phong. Trước khu mộ là địa điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt và cũng là nơi 13 người anh hùng đã ngã xuống hy sinh trong trận bom sáng 31/10/1968. Từ hố bom chôn vùi máu xương của bao người con xứ Nghệ năm xưa, nay đã khoác lên mình hình hài mới, trở thành địa chỉ ý nghĩa để biết bao người dân tìm về gửi lòng tri ân.

Thời gian qua, với nhiệm vụ, trọng trách cao cả đã được giao phó, Ban Quản lý khu di tích lịch sử Truông Bồn đã không ngừng phát huy hiệu quả, giá trị của khu di tích, nâng cao công tác đón tiếp phục vụ du khách, chất lượng thuyết minh, công tác bảo tồn, sưu tầm hiện vật nhằm làm phong phú hơn giá trị lịch sử của Truông Bồn.

Công tác đón tiếp, phục vụ được thực hiện bài bản, trang trọng, khoa học, các đoàn khách qua bộ phận đăng ký được hướng dẫn nội dung, lịch trình tham quan, được bố trí lễ nghi trang trọng, được nghe thuyết minh về lịch sử oanh liệt của Truông Bồn, làm lễ tưởng niệm tại nhà thờ, tham quan các hạng mục công trình, tham quan nhà truyền thống…

Đồng thời, Ban Quản lý khu di tích cũng đã tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ cảnh quan môi trường, vệ sinh khuôn viên khu di tích đảm bảo xanh, sạch, đẹp và văn minh; Chú trọng công tác sưu tầm hiện vật, phục dựng các chứng tích nhằm làm nổi bật giá trị lịch sử tại Truông Bồn; Quan tâm kết nối các tour, tuyến du lịch nhằm thu hút đông đảo du khách thập phương về với Truông Bồn.

Bên cạnh đó, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, việc áp dụng công nghệ số đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, các thông tin quản lý, điều hành, các dữ liệu, thông tin lịch sử đã được cập nhật đầy đủ trên hệ thống thông tin điện tử như Website, các app trên mạng xã hội và đã được rất nhiều người tiếp cận, tìm hiểu, học tập.

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã được hồi sinh mạnh mẽ ngay trên “tọa độ chết” năm xưa. Mảnh đất bạc màu hoà lẫn máu xương của thế hệ cha anh đi trước đã và đang được hồi sinh thành không gian xanh mướt của cỏ cây, thơm nồng hoa lá của thế hệ trẻ hôm nay như một sự tri ân, tiếp nối sự sống trên mảnh đất anh hùng.

Truông Bồn mãi là “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

* Tác giả: Hải Yến

* Thiết kế: Gia Ân

Hải Yến