Tri ân "Miền đất lửa": Âm vang bản hùng ca Việt - Lào một lòng như sắt đá
Trong hành trình Tri ân, Đoàn công tác Báo Công lý đã đến viếng và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt – Lào. Chúng tôi như lặng người khi đứng trước và đọc từng câu, từng chữ trên văn bia tại nghĩa trang: “Quân dân ta lên đường, xa gia đình, Tổ quốc, chân sắt vai đồng, Việt – Lào chung sức chiến đấu, đâu kể hy sinh, vì tự do, vì hạnh phúc, gan vàng dạ ngọc Quốc tế một lòng ủng hộ, ngại gì gian khổ. Máu hoà vào máu. Xương lẫn với xương. Hàng vạn người ngã xuống, cho hai nước
Tham gia lễ viếng các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt – Lào cùng Đoàn công tác Báo Công lý năm nay có đồng chí Trần Ngọc Sơn – Chánh án TAND tỉnh Nghệ An; đồng chí Nguyễn Hữu Sáng – Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Anh Sơn (Nghệ An).
Với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, Đoàn đã dâng hương, dâng hoa lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh trên nước bạn Lào. Và cùng Hướng dẫn viên tại nghĩa trang hồi tưởng, điểm lại những cột mốc lịch sử tại nghĩa trang đặc biệt mang tên cả hai quốc gia Việt- Lào.
Trong những năm kháng chiến, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Giúp Bạn là tự giúp mình” và với tình cảm quốc tế trong sáng dành cho nước láng giềng anh em, hàng ngàn quân tình nguyện Việt Nam đã rời quê hương sang nước bạn Lào chiến đấu, không một chút so đo, tính toán.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào đã luôn kề vai, sát cánh và cùng với Bạn, vừa chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm; vừa tiến hành xây dựng và củng cố các đoàn thể, chính quyền kháng chiến, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích trên khắp các khu vực Thượng, Trung và Hạ Lào.
Trong số hàng nghìn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự ấy có không biết bao nhiêu người đã ngã xuống trên đất nước Triệu Voi. Như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định trong thư gửi tới Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào: “Mồ hôi, xương máu của chiến sỹ và chuyên gia Việt Nam hòa quyện cùng xương máu, mồ hôi của chiến sỹ và nhân dân Lào góp phần vun đắp, bảo vệ, phát triển tình hữu nghị đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, một quy luật, một nhân tố hết sức quan trọng bảo đảm thắng lợi cách mạng hai nước, một mẫu mực về mối quan hệ quốc tế trong sáng, một di sản vô cùng quý giá của hai dân tộc”.
Để ghi nhớ và tri ân các Anh hùng liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh với quân giải phóng Pathet Lào chiến đấu bảo vệ 2 đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã cho xây dựng một nghĩa trang đặc biệt mang tên cả 2 dân tộc để làm nơi yên nghỉ cho hang vạn người lính tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh trên đất nước Lào. Lấy tên là Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào.
Nằm sát quốc lộ 7, trên đường lên cửa khẩu Nậm Cắn (biên giới Việt - Lào), Nghĩa trang Liệt sỹ Việt - Lào nằm yên bình giữa trung tâm thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Với diện tích gần 7 ha, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt – Lào là nghĩa trang lớn nhất quy tập các phần mộ Liệt sỹ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào. Nghĩa trang có 2 khu: Khu A và khu B. Trong đó, khu A gồm 9 lô Liệt sỹ với tổng số 5.381 mộ. Khu B gồm có 13 lô mộ Liệt sỹ với tổng số 5.219 mộ và một lô mộ tử sỹ có 11 mộ.
Đây cũng là nghĩa trang duy nhất ở Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1976 nhưng đến năm 1982, với tình cảm uống nước nhớ nguồn, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt Liệt sỹ hy sinh ở nước bạn Lào về nước, quy tập tại đây. Tính từ khi xây dựng cho đến nay, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt – Lào đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các Liệt sỹ hi sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ.
Hàng năm, đội quy tập hài cốt Liệt sỹ thuộc Quân khu IV tổ chức hàng chục đội quy tập trên khắp những ngả đường Trường Sơn, vùng thượng Lào, Savannakhet, ...
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào hiện hiện có khoảng 6.900 phần mộ chưa rõ tên tuổi và quê quán và 570 mộ có tên, nhưng chưa rõ quê. Trong những ngôi mộ ấy, có ngôi mộ có từ thời mới xây dựng nghĩa trang cho đến những ngôi mộ mới nhất, dấu sơn vẫn còn mới. Dù chưa xác định được tên tuổi cụ thể của các anh nhưng hạnh phúc là Đảng, Nhà nước đã đưa các anh về đây yên nghỉ, trên đất Mẹ Việt Nam yêu thương.
Là nghĩa trang lớn nhất quy tập các mộ Liệt sỹ nhưng chỉ có khoảng 3.500 phần mộ có tên tuổi, quê quán rõ ràng, số còn lại người thì chỉ có tên mà không biết họ, hoặc đơn giản chỉ là một tên gọi ở nhà đơn giản như “Sắn”. Dưới cái nắng nóng thiêu đốt của ngày tháng 7, bầu trời Anh Sơn trong xanh không một gợn mây, những hàng thông hai bên lối vào nghĩa trang cũng đứng lặng mình như đang tưởng niệm cùng đoàn công tác.
Hình ảnh bạt ngàn những ngôi mộ “Liệt sỹ chưa biết tên” chạy dài hun hút tưởng chừng như vô tận ở nghĩa trang Việt Lào gợi lên nỗi buồn, nỗi xót xa mà hậu quả của những cuộc chiến tranh đã đi qua và để lại,… Quá nửa những anh hùng dù đã được đưa về với vòng tay quê hương vẫn chung số phận vô danh.
Tấm bia đá khắc một bài thơ “Xin đừng gọi anh là Liệt sỹ vô danh” của người cựu chiến binh đồng thời là Nhà thơ – Nhà báo Văn Hiền dường như đã nói lên nỗi lòng của mỗi người dân Việt Nam khi đặt chân đến mảnh đất thiêng này.
Dù chưa xác định được tên, tuổi, quê quán nhưng vốn dĩ các anh sinh ra đều có những thông tin đó, với hồn quê gốc rạ. Các anh ngã xuống nhưng tên tuổi vẫn còn khắc ghi trong tâm trí của người thân nên nhà thơ Văn Hiền cất lên tiếng lòng xin chúng ta đừng gọi các anh là “Liệt sỹ vô danh”.
Về nghĩa trang Việt- Lào, trong cái nắng chang chang cháy da, cháy thịt, dâng nén hương, đứng trước lên hàng ngàn ngôi mộ vô danh, đồng chí Trần Minh Giang, Chi ủy viên Chi bộ Báo Công lý ngậm ngùi, có đi tới nghĩa trang này thêm một lần nữa chúng ta mới sâu sắc nhìn thấy cái giá mà ông cha đã trả cho nền độc lập này là quá lớn.
Trên những tấm bia dù có tên hay chưa có, dù chỉ là vài dòng ngắn ngủi hay một tên biệt danh thì tất cả các anh, các chị mãi là những anh hùng của dân tộc Việt Nam "máu đỏ, da vàng". Nhẹ nhàng thắp từng nén hương xuống từng ngôi mộ vô danh, Hoàng Thị Hải Yến, một thành viên trẻ trong đoàn chắp tay khấn nguyện cầu mong linh hồn của các anh được siêu thoát, được bình yên, được vỗ về trong lòng đất mẹ.
“Xin đừng gọi Anh là Liệt sỹ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.
Xin đừng gọi Anh là Liệt sỹ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn
Tháng tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.
Xin đừng gọi Anh là Liệt sỹ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân
Xin đừng gọi Anh là Liệt sỹ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh.
Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên, không tuổi
Trắng hàng bia những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.
Xin đừng gọi Anh là Liệt sỹ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”
Nhà thơ – Nhà báo Văn Hiền
Công lao của các anh, các chị sẽ luôn vang danh sử sách. Một lần nữa, những câu chữ trên văn bia của Giáo sư Phan Ngọc được đặt trang trọng trong nghĩa trang đã khiến cả đoàn chúng tôi rưng rưng nước mắt.
“Nhân dân Việt Nam, hào kiệt giống nòi, hiên ngang đất tổ, hoà bình, độc lập, lẽ sống muôn đời; dân chủ, tự do ước mơ vạn thủa. Gặp thời đen tối, hai nước Việt – Lào, ách nô lệ đoạ đầy; được Đảng; sáng soi một cõi Đông Dương cứu nguy vạch rõ…
Chiếm Lào để chiếm Việt, thực dân Pháp trăm mưu nghìn kế, ách áp bức hòng tái lập nặng đè; Giúp bạn chính giúp mình. Nhân dân ta cả nước một lòng, xiềng nô lệ quyết phen này xoá bỏ.
Quân dân ta lên đường, xa gia đình, Tổ quốc, chân sắt vai đồng, Việt – Lào chung sức chiến đấu, đâu kể hy sinh, vì tự do, hạnh phúc, gan vàng dạ ngọc Quốc tế một lòng ủng hộ, ngại gì gian khổ…
Máu hoà vào máu, cánh đồng chum, xiêng khoảng, Thà Khẹt ta cùng bạn hy sinh, xương lẫn với xương. Át – Tô – Pơ, Khăm Muội, Viên Chăn, Bạn cùng ta quyết tử. Tình đoàn kết ấy dòng Cửu Long bao la, nghĩa thuỷ chung này dải Trường Sơn vững chãi. Hàng vạn người ngã xuống, cho hai nước đứng lên; Năm mươi năm trôi qua để triệu nhà mong nhớ...”
Báo Công lý trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các đơn vị:
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank)
Tập đoàn Hoành Sơn
Công ty TNHH PRO TECH SAIGON
Tổng công ty Cổ phần Hợp Lực
Chương trình The K Giấc mơ Việt Nam 20
Thực hiện nội dung: Tuấn Dũng, Tuyết Nhung.
Hình ảnh, đồ họa: Tuấn Dũng.