Giá nhà ở thương mại liên tục thiết lập mặt bằng mới
Đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, giá nhà ở thương mại liên tục thiết lập mặt bằng giá mới ở ngưỡng cao khiến phân khúc này đã "nóng" lại càng trở lên cấp thiết
Báo cáo thị trường Bất động sản Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 20 với chủ đề "Toàn cảnh thị trường Bất động sản Việt Nam trước giờ G" của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, phân khúc căn hộ vẫn là phân khúc chủ đạo, "chiếm sóng" thanh khoản thị trường.
Cụ thể, hơn 60% nguồn cung nhà ở mở bán trong quý 2 đến từ các dự án ở khu vực miền Bắc. Về cơ cấu nguồn cung, phân khúc căn hộ "vươn lên", chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn cung nhà ở sơ cấp với hơn 14.646 sản phẩm mới mở bán trong quý 2. Trong đó, hơn 43% nguồn cung căn hộ mở bán mới trong quý 2 đến từ 1 dự án đại đô thị ở Hà Nội.
Tỷ trọng nguồn cung căn hộ phân khúc trung cấp ngày càng sụt giảm, chỉ bằng 26% tổng nguồn cung căn hộ. 50% nguồn cung căn hộ đến từ phân khúc cao cấp mở bán trong quý 2. Nguồn cung căn hộ trung cấp chủ yếu nằm ở các tỉnh/thành cấp 2, 3; các thành phố vệ tinh như Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Lào Cai, An Giang, Bình Định,... bởi chi phí phát triển dự án tại 2 đô thị đặc biệt ngày càng cao trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm.
Ông Lê Đình Chung, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS nhận định: "Sau thời gian tăng trưởng nóng ở quý 1, giá bán phân khúc nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ tại quý 2 đã có phần bình ổn hơn. Mức bình ổn này được duy trì trên mặt bằng giá mới, cao hơn".
Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARs IRE) cho biết: Trong bối cảnh giá nhà ở thương mại liên tục thiết lập mặt bằng giá mới ở ngưỡng cao, việc đẩy mạnh phát triển phân khúc này được coi là "chìa khóa quan trọng nhất" giúp khơi thông nguồn cung nhà ở giá bình dân.