Yên Bái quyết tâm hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phấn đấu xây dựng “cơ đồ” ngày càng tươi đẹp hơn
Là nhà lãnh đạo yêu nước, thương dân, luôn dành mọi sự quan tâm đặc biệt chăm lo cho nhân dân cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 3 lần tới thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Niềm tin và tình yêu lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là nguồn động lực thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nỗ lực vươn lên đạt được những kết quả hết sức ấn tượng, đặc biệt là việc chăm lo, nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân.
Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn và chia sẻ những kỷ niệm, lời căn dặn trong các chuyến làm việc của nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Yên Bái. Báo Công lý trân trọng giới thiệu bài viết của ông:
Chỉ cách đây ít ngày, khi nghe Thông báo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái rất lo lắng và hy vọng Tổng Bí thư được sớm khỏe mạnh trở lại. Thế rồi, khi nghe được tin buồn Tổng Bí thư từ trần, tất cả mọi người đều rất bàng hoàng và tiếc thương trước sự ra đi của một nhà lãnh đạo có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
80 năm tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đến những giây cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tận hiến hết mình cho Đảng, cho đất nước và cho toàn thể nhân dân. Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Tổng Bí thư luôn khẳng định vai trò hạt nhân quy tụ đoàn kết, thống nhất, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội, với sức mạnh "ngoại giao cây tre”, đồng chí đã chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử để dân tộc ta, Tổ quốc ta "Chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”.
Là nhà lãnh đạo yêu nước, thương dân, luôn dành mọi sự quan tâm đặc biệt chăm lo cho nhân dân cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng, trong cuộc đời hoạt động của mình, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 3 lần tới thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Lần đầu tiên khi xảy ra trận lũ lịch sử trung tuần tháng 8/2008, trên địa bàn huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, với vai trò Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, cùng các đồng chí trong Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến kiểm tra tình hình mưa lũ, thăm hỏi, động viên chia sẻ những tổn thất với nhân dân Yên Bái.
Kiểm tra tại các khu vực bị ảnh hưởng của lũ lụt, đồng chí đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Yên Bái đã đạt được trong công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời với thiên tai. Đồng thời, chỉ đạo tỉnh tập trung ổn định cuộc sống cho dân, kiên quyết xử lý những cá nhân, đơn vị lợi dụng thời cơ tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm để trục lợi bất chính.
Lần thứ hai vào dịp đầu xuân năm 2013, sau 5 năm trở lại thăm Yên Bái, trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã tới thăm các mô hình phát triển kinh tế tại 2 huyện phía Tây của tỉnh là thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn và xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu.
Tổng Bí thư rất vui mừng khi thấy trên 50% số hộ dân trồng cam ở thị trấn Nông trường Trần Phú có thu nhập từ 60 -100 triệu đồng/vụ và đã biểu dương, khen ngợi, đánh giá cao phong trào thi đua lao động sản xuất của nhân dân ở địa phương.
Tại xã Trạm Tấu, thăm, động viên thầy, trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu – 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, Tổng Bí thư đặc biệt vui mừng trước kết quả mà Đảng bộ, chính quyền xã và huyện Trạm Tấu đã đạt được bằng cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả trong phong trào vận động nhân dân nhường đất sản xuất, xây dựng kho thóc khuyến học, không di dân tự do, đặc biệt là đồng bào Mông cùng ăn chung một Tết Nguyên đán với các dân tộc anh em khác.
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư đã chỉ đạo, Yên Bái phải tập trung giải quyết ba khâu đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, cần thường xuyên chăm lo phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Niềm tin và tình yêu lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là nguồn động lực thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng cao Trạm Tấu nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tích trong giai đoạn mới.
"Yên Bái chưa bao giờ có được cơ đồ tươi đẹp như hôm nay” là lời khẳng định vừa ghi nhận, vừa có ý nghĩa động viên vô cùng to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái trong lần thứ ba đến với Yên Bái trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cấp quốc gia Xuân Kỷ Hợi 2019 tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên. Đây cũng là lần cuối cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái được đón người lãnh đạo kiệt xuất, mẫu mực, kiên trung, hết lòng vì nước, vì dân.
Giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng, trong vòng tay kết đoàn của hàng ngàn đồng bào các dân tộc, cùng tham gia trồng cây, trồng rừng với nhân dân, Tổng Bí thư đã để lại vô vàn tình cảm và niềm tin yêu của dân với Đảng nơi núi rừng Tây Bắc. Tất cả đều cùng chung dòng suy nghĩ: Tổng Bí thư thật giản dị, khiêm nhường, dễ gần như bao người lao động bình thường, song lại ẩn chứa một trái tim sâu nặng nghĩa tình với Đảng, với nhân dân. Vậy phải làm sao hiện thực hóa thật tốt những chỉ đạo của Tổng Bí thư, cho "Cơ đồ tươi đẹp” ấy của Yên Bái ngày càng thêm rạng rỡ gấm hoa? Trả lời những câu hỏi ấy, đến nay với phong trào trồng rừng rộng khắp ở tất cả 9 huyện, thị, thành phố, Yên Bái đã nâng diện tích đất có rừng lên gần 500 ngàn ha và nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 63%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và phòng, chống cháy rừng ngày càng tốt hơn.
Từ chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã thể chế hóa thành Nghị quyết Đại hội XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, xác định mục tiêu quyết tâm xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng: "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030. Đảng bộ tỉnh luôn đề cao đạo đức cách mạng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các quy định về nêu gương và những điều đảng viên không được làm; thực hiện tốt Quy định số 16-QĐ/TU ngày /11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về " Thực hiện văn hoá, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị tại Đảng bộ tỉnh Yên Bái” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh, phẩm chất chính trị vững vàng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, góp phần cùng toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội tạo những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kết quả, kinh tế- xã hội của tỉnh Yên Bái năm sau luôn đạt thành tích ấn tượng hơn năm trước. Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 7,42%/năm, đứng thứ 5/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đặc biệt, các địa bàn Tổng Bí thư đã tới thăm và gợi mở hướng đi đến nay đều tiến nhanh, tiến vững chắc nhờ các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Từ bức thư khen ngợi của Tổng Bí thư sau chuyến thăm xã Trạm Tấu, đồng bào Mông vùng cao đặc biệt khó khăn đã được truyền thêm động lực xóa bỏ hình thức sản xuất manh mún, lạc hậu, đưa ứng dụng tiến bộ khoa học vào phá thế độc canh cây lúa, trồng thêm nhiều loại cây đặc sản vụ ba đạt tiêu chuẩn OCOP. Toàn huyện Trạm Tấu đang tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với du lịch và mở rộng đường giao thông, kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây của tỉnh.
Quán triệt thông điệp "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Tổng Bí thư, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã cụ thể hóa việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá của các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, điển hình là nghệ thuật khèn Mông, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại... Qua đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa "chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để trở thành mục tiêu phấn đấu, hướng đến xây dựng tỉnh hạnh phúc, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả, đến hết năm 2023, chỉ số hạnh phúc của tỉnh đạt 65,56%, tăng 12,26% so với đầu nhiệm kỳ.
Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lan tỏa rộng rãi giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái cùng thi đua đạt được những kết quả hết sức ấn tượng như chỉ số sản xuất nông nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, giá trị xuất khẩu hàng hoá, số khách du lịch và doanh thu từ dịch vụ du lịch đều tăng trưởng ổn định; xây dựng nông thôn mới là điểm sáng trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua đó, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên trên 52 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống 9,42%.
Những thành tựu đó đạt được có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đầu tiên chính là sự đoàn kết thống nhất "đồng tâm, đồng ý, đồng chí, đồng lòng” như Tổng Bí thư đã khẳng định trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái lần cuối cùng. Đây chính là nhân tố cực kỳ quan trọng, là bài học sâu sắc để Yên Bái tiếp tục phát triển đi lên nhờ đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm và cả nhiệm kỳ theo phương châm "Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm" đối với từng cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị; đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, tinh thần "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm" của cán bộ, đảng viên gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Hôm nay, chung niềm tiếc thương vô hạn với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái hứa quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tăng cường đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Tổng Bí thư đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng tấm gương đạo đức sáng ngời và sự hy sinh to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho dân, cho nước sẽ còn sống mãi, như nguồn cổ vũ, động viên to lớn, khích lệ các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Yên Bái hôm qua, hôm nay và cả mai sau ra sức thi đua học tập, rèn luyện để kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân mà Đảng, Bác Hồ, các bậc tiền bối cách mạng và Tổng Bí thư cùng các thế hệ lãng đạo Đảng, Nhà nước đã dày công vun đắp.