Tiêu điểm

Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của TAND sơ thẩm chuyên biệt

P.Nam 25/07/20 - 06:38

Luật Tổ chức TAND năm 20 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các TAND sơ thẩm chuyên biệt. TANDTC đang nghiên cứu, rà soát, xây dựng các điều kiện cần thiết, có phương án đề xuất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thành lập các Tòa án này.

Điều 62 Luật Tổ chức TAND năm 20 (về Nhiệm vụ, quyền hạn của TAND sơ thẩm chuyên biệt) quy định:

1. TAND sơ thẩm chuyên biệt Hành chính có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Sơ thẩm vụ án hành chính đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp tỉnh trở lên theo quy định của Luật Tố tụng hành chính;

b) Ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật;

c) Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ;

đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 3 của Luật này và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

toa-chuyen-biet.jpg
Quang cảnh buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7.

2. TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Sơ thẩm vụ việc về sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; sơ thẩm vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Tố tụng hành chính;

b) Ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật;

c) Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ;

đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 3 của Luật này và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

3. TAND chuyên biệt Phá sản có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Giải quyết vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của TAND theo quy định của luật;

b) Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện việc tổng kết thực tiễn giải quyết vụ việc phá sản; đề xuất án lệ;

d) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 3 của Luật này và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 63 (về Cơ cấu tổ chức của TAND sơ thẩm chuyên biệt), quy định:

1. TAND sơ thẩm chuyên biệt có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động. Thẩm phán TAND công tác tại TAND sơ thẩm chuyên biệt có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền xét xử, giải quyết của TAND sơ thẩm chuyên biệt.

2. TAND sơ thẩm chuyên biệt có bộ máy giúp việc.

Chánh án TANDTC quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam về các luật đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Tổ chức TAND, trả lời báo chí liên quan đến quy định về TAND sơ thẩm chuyên biệt và dự kiến của TANDTC về việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết: Về thời gian hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy, sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn. Trên cơ sở số lượng vụ việc cụ thể mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết và điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực..., TANDTC đang nghiên cứu, rà soát và sẽ xây dựng đủ các điều kiện cần thiết. Sau đó, có phương án đề xuất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thành lập các Tòa án này.

P.Nam