Sức Khỏe

Yêu cầu dừng lưu thông các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc

M.L 26/07/20 - 06:26

Đây là yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai về 5 trường hợp đang cấp cứu, điều trị tại Trung tâm do ngộ độc methanol.

Ngày 25/7, trước thông tin về việc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận liên tiếp 5 trường hợp ngộ độc rượu chứa methanol (4 ca ở Thường Tín, Hà Nội và 1 ca ở Thái Nguyên) cùng uống một loại rượu từ Thái Nguyên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn 1772/ATTP-NĐTT đề nghị điều tra, xử lý và tăng cường biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu trên địa bàn Hà Nội và Thái Nguyên.

Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế Thái Nguyên phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc.

Tập trung truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc trong vụ việc trên, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên và Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.

Đồng thời đẩy mạnh truyền thông hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.

dung-luu-thong-va-truy-xuat-tan-cung-nguon-goc-san-pham-ruou-nghi-ngo-gay-ngo-doc.-anh-minh-hoa-..png
Dừng lưu thông và truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc. (Ảnh minh họa).

Theo Trung tâm Chống độc, trong 5 bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại trung tâm, thì 4 ca ở Thường Tín nhập viện trong tình trạng đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nguy cơ tổn thương não.

Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống có nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%. Trường hợp còn lại là nam bệnh nhân ở Thái Nguyên nhập viện trong tình trạng hôn mê, đang phải thở máy, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, lượng cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao. Loại rượu bệnh nhân này uống nghi ngờ cùng nguồn với 4 bệnh nhân nêu trên.

M.L