Vấn đề quan tâm

Đề xuất nguyên tắc dẫn độ tội phạm

Nguyễn Cúc 29/07/20 - 20:49

Dự thảo Luật Dẫn độ được xây dựng hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Dự thảo Luật Dẫn độ đã đưa ra đề xuất về nguyên tắc dẫn độ tội phạm.

Quốc hội đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Dẫn độ, trong đó đề xuất nguyên tắc dẫn độ như sau:

Dẫn độ được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

dano.jpg
Hình minh họa

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về hoạt động dẫn độ khác với quy định của pháp luật Việt Nam thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong hoạt động dẫn độ thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan đối với từng vụ việc cụ thể.

Trường hợp Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về dẫn độ thì thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

Bảo đảm các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật; đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Bảo đảm các nguyên tắc tội phạm kép và không xét xử hai lần về cùng một tội phạm.

Việc dẫn độ được áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Theo đó, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận và cho phép áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong quá trình xử lý vụ việc về dẫn độ. Việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại không được trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

Cơ quan trung ương về hoạt động dẫn độ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao, có tính đến lợi ích quốc gia, các yêu cầu về chính trị và ngoại giao giữa Việt Nam và đối tác nước ngoài.

Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng nguyên tắc có đi, có lại.

Đối với dẫn độ có điều kiện, trường hợp hồ sơ yêu cầu dẫn độ Việt Nam gửi phía nước ngoài phải đáp ứng một số điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ đưa ra cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện này trên cơ sở phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các quy định của pháp luật trong nước của Việt Nam.

Trường hợp hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam thì phía nước ngoài phải đưa ra các cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện này trên cơ sở phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các quy định của pháp luật trong nước của Việt Nam.

Chính phủ hướng dẫn trình tự, thủ tục, quy định đáp ứng các điều kiện để dẫn độ.

Nguyễn Cúc