Xét xử đại án đăng kiểm: Bị cáo cung cấp số tài khoản để nhận hối lộ
Ngày 1/8, tại phiên tòa xét xử đại án đăng kiểm, HĐXX tiếp tục tiến hành xét hỏi các bị cáo phòng tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (Cục ĐKVN).
Đáng chú ý trong nhóm bị cáo thuộc phòng tàu sông có cựu Phó Trưởng phòng Đỗ Trung Học đang trốn truy nã và bị xét xử vắng mặt.
Lần lượt trả lời xét hỏi của HĐXX về cáo buộc của Viện kiểm sát, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội và trình bày các tình tiết để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Theo cáo trạng, để được cấp thông báo năng lực, chủ các cơ sở đóng tàu tại Long An liên hệ bị cáo Phạm Hoài Hà (cựu Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An). Sau đó, bị cáo Hà giới thiệu bị cáo Nguyễn Xuân Hào (Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Long An) lập hồ sơ của 38 cơ sở đóng tàu.
Bị cáo Hào đã nhận của chủ các cơ sở đóng tàu từ 30 triệu đồng đến 0 triệu đồng/xưởng trọn gói đến khi được cấp thông báo năng lực. Nguyễn Xuân Hào đã gửi các hồ sơ này ra Cục ĐKVN tiến hành đánh giá.
Tại Cục ĐKVN, Đỗ Trung Học là người soát xét hồ sơ. Bị cáo Học đã cung cấp số tài khoản và yêu cầu Phạm Hoài Hà đưa tiền để duyệt hồ sơ. Hà yêu cầu Nguyễn Xuân Hào chuyển tiền vào tài khoản của Đỗ Trung Học.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Đỗ Trung Học đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố bị can. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định truy nã.
Cáo trạng xác định, hành vi của bị cáo Đỗ Trung Học đã cấu thành tội “Nhận hối lộ” với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng và hiện TAND TP.HCM đang xét xử vắng mặt bị cáo Học. Đồng thời, HĐXX đã chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Trung Học.
Đối với bị cáo Bùi Quốc Hưng (cựu Trưởng phòng tàu sông) cáo trạng nêu, trong quá trình soát xét hồ sơ cấp thông báo năng lực cho cơ sở đóng tàu, bị cáo Hưng đã đánh giá 62 cơ sở và soát xét 98 hồ sơ. Kết quả điều tra xác định 30 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực.
Bị cáo Đậu Ngọc Bình, (cựu Phó phòng tàu sông), đã đánh giá 1 hồ sơ, soát xét 57 hồ sơ, kết quả điều tra xác định hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực.
Các bị cáo Phan Huy Liêm, Phạm Thế Dương và Vũ Văn Sơn là Đăng kiểm viên phòng tàu sông, trong đó Phan Huy Liêm đã đánh giá cơ sở, soát xét 21 hồ sơ, kết quả điều tra xác định 5 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực và Vũ Văn Sơn đã đánh giá 8 cơ sở và soát xét 9 hồ sơ, kết quả điều tra xác định 3 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực.
Như vậy, các bị cáo là lãnh đạo Cục ĐKVN, lãnh đạo phòng tàu sông, các Đăng kiểm viên là những người có chức vụ, quyền hạn, được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá điều kiện để cấp thông báo năng lực xưởng cho các cơ sở đóng tàu.
Mặc dù hồ sơ của cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện để được cấp, nhưng các bị cáo vẫn ký cấp thông báo đã cố ý làm trái quy định. Hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng đến việc thực hiện vai trò của các cơ sở đóng tàu, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm định phương tiện thủy nội địa, đến việc quản lý của Nhà nước.