Tư vấn pháp luật

Luật sư phân tích về hành vi phá hơn 100 ngôi mộ để lấy nhôm

Trần Sỹ 08/08/20 - 10:42

Sáng 8/8, Luật sư Ngô Thanh Quảng-GĐ Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Quảng Đông (nguyên GĐ Công ty Luật Hồng Phát), đã có những chia sẻ, phân tích với Báo Công lý về tình huống pháp lý liên quan đến nhóm đối tượng phá hơn 100 ngôi mộ ở nghĩa trang để lấy nhôm đem đi bán.

Phẫn nộ với hành vi của các đối tượng

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, vào khoảng 3h sáng 6/8, Công an TP. Pleiku (Gia Lai) đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Tấn Phát (SN 2006, trú tổ 6, phường Trà Bá, TP. Pleiku) đang thực hiện hành vi cạy phá các bàn thờ tại nghĩa trang.

Trước đó, vào khoảng 22h ngày 5/8, Phát và Nguyễn Quang Huy (SN 2006, trú phường Phù Đổng, TP. Pleiku) đi đến nghĩa trang TP. Pleiku, khi thấy ngôi mộ nào có phần bàn thờ bằng kính bọc khung nhôm thì các đối tượng dùng thanh sắt đã được mài dẹp 2 đầu để cạy lấy khung nhôm đem đi bán.

Đến rạng sáng 6/8, khi đã cạy khoảng 20 ngôi mộ thì Phát bị lực lượng Công an bắt quả tang, còn đối tượng Huy chạy thoát.

13.jpg
Hai đối tượng trong vụ việc chỉ các vị trí cạy, phá ngôi mộ để lấy nhôm (ảnh CACC)

Quá trình đấu tranh khai thác, Công an đã triệu tập thêm đối tượng Hoàng Vũ Bảo (SN 2007, trú phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) và Trần Minh Tú (SN 2006, trú tổ 10, phường Phù Đổng) lên làm việc.

Tại cơ quan Công an, bước đầu Phát, Bảo, Tú đã khai nhận toàn bộ hành vi cạy phá hơn 100 ngôi mộ tại nghĩa trang TP. Pleiku.

Hiện Cơ quan Công an đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng trên và tiếp tục xác minh, truy bắt đối tượng Huy để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Sau khi sự việc xảy ra, người dân rất hoang mang và phẫn nộ trước hành vi coi thường pháp luật, không những phá hoại tài sản mà còn gây ảnh hưởng đến tâm linh của người sống, cũng như người đã khuất và gây mất mỹ quan nghĩa trang.

Luật sư phân tích tình huống pháp lý liên quan đến vụ việc

Theo Luật sư Ngô Thanh Quảng, hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu phạm tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo Điều 319 Bộ luật hình sự năm 20 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, hành vi của các đối tượng này đã xâm phạm đến vị trí mai táng của người chết theo phong tục, nghi lễ, tôn giáo của cộng đồng dân cư; xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết.

W_17.jpg
Luật sư Ngô Thanh Quảng cho rằng, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu phạm tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”.

Theo quy định pháp luật, mọi hành vi làm biến dạng kiến trúc liên quan đến mục đích bảo vệ nơi chôn cất của người đã chết được nguyên vẹn, đều bị coi là vi phạm pháp luật vì đã xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

“Khi phạm tội này, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, hậu quả do tội phạm gây ra, các đối tượng có thể bị xét xử theo khoản 1 hoặc khoản 2 của Điều 319 Bộ luật Hình sự; hình phạt cao nhất mà Điều luật này quy định lên đến 7 năm tù”, Luật sư Quảng nhấn mạnh.

Trần Sỹ