Giao thông

Đề xuất phương án khai thông vướng mắc cho dự án đường vành đai 4 Hà Nội

Gia Khánh 08/08/20 12:10

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề xuất phương án xử lý một số vướng mắc tại dự án đường vanh đai 4, TP Hà Nội.

353859630_24732038-1696460635733.jpg
Dự án Vành đai 4 hình thành được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào tình trạng ùn tắc trong nội đô.

Trước đó, tại các công văn số 3107/VPCP-CN ngày 08/5/20 và số 3505/VPCP-CN ngày 22/5/20 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ KH&ĐT báo cáo về đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án) và Dự án thành phần 3 đầu tư theo phương thức PPP thuộc Dự án này.

Theo tìm hiểu, liên quan đến hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần 3, tại quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Nghị quyết số 56/2022/QH), Dự án thành phần 3 theo phương thức PPP được áp dụng đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cho rằng khả năng sẽ không nhiều nhà đầu tư trong nước tham dự đấu thầu do một số nguyên nhân như: (i) sau khi khảo sát sự quan tâm, chỉ có 01 nhà đầu tư trong nước đăng ký thực hiện dự án; (ii) Dự án có quy mô quá lớn dẫn đến yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm đối với nhà đầu tư cao, khó tìm được nhà đầu tư đáp ứng; (iii) khó khăn trong huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng cho thời gian hoàn vốn kéo dài, nhu cầu vốn vay quá lớn.

Do vậy, UBND TP Hà Nội đề xuất áp dụng áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong nước theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp dự án áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong nước nhưng cần thúc đẩy sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế tốt, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu được quy định nhà đầu tư trong nước liên danh với nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc sử dụng đối tác là nhà thầu nước ngoài đế tham dự thầu; trong trường hợp này, nhà đầu tư trong nước phải là thành viên đứng đầu liên danh; ngôn ngữ sử dụng trong lựa chọn nhà đầu tư là tiếng Việt.

Về vấn đề này, trong văn bản báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ KH&ĐT thống nhất đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc áp dụng quy định khoản 5 Điều 34 Nghị định 35/2021/NĐ-CP để thu hút nhà đầu tư quốc tế với điều kiện UBND TP Hà Nội thuyết minh được sự cần thiết của việc thúc đẩy sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế tốt đối với một dự án có quy mô lớn, thời gian đầu tư xây dựng và vận hành dài như Dự án thành phần 3.

Trường hợp UBND TP Hà Nội xét thấy phương án áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 35/2021/NĐ-CP để thu hút nhà đầu tư quốc tế không khả thi, đề nghị nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư.

“Đối với cả hai trường hợp nêu trên, đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu, tổ chức xúc tiến đầu tư, khảo sát mức độ quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế đối với Dự án thành phần 3 để bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu về vốn, khả năng thực hiện Dự án hiệu quả, khả thi”, Bộ KH&ĐT kiến nghị.

Liên quan việc điểu chỉnh hạng mục giữa các dự án thành phần và điểu chỉnh tổng mức đầu tư các dự án thành phần, theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020), việc phân chia dự án thành các dự án thành phần được thực hiện khi mỗi dự án thành phần có thể vận hành, khai thác độc lập.

Theo Bộ KH&ĐT, Nghị quyết số 56/2022/QH về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đã được phân chia thành 07 dự án thành phần với quy mô, hình thức và phương thức đầu tư, nguồn vốn, sơ bộ tổng mức đầu tư tương ứng từng dự án thành phần. Do vậy, đề nghị UBND TP Hà Nội giải trình về việc phân chia các dự án thành phần trong Dự án và điều chỉnh giữa các dự án thành phần, bảo đảm phù hợp với quy định tại pháp luật về xây dựng; đồng thời, đánh giá tính cần thiết và khả năng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án khi điều chỉnh các dự án thành phần.

Ngoài ra, đối với Dự án thành phần 3 áp dụng phương thức PPP, hiện nay, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Do vậy, trong trường hợp điều chuyển công trình, điều chỉnh tống mức đầu tư các dự án thành phần và giảm hạng mục đầu tư, giảm tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 dẫn tới phải điều chỉnh dự án thành phần này, đề nghị UBND TP Hà Nội thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án PPP theo quy định tại Điều Luật PPP.

Đối với vướng mắc khác liên quan đến chính sách khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đề nghị UBND TP Hà Nội thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự án đường vành đai 4 Hà Nội được triển khai theo 7 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 là "trục xương sống" gồm tuyến cao tốc dài 113 km với tổng mức đầu tư hơn 56.290 tỷ đồng. Vốn nhà nước xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng là hơn 26.760 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tham gia 29.525 tỷ đồng.

Hà Nội đã tách các dự án sử dụng vốn ngân sách gồm xây dựng cầu Hồng Hà, đoạn vành đai 3 từ trước nút giao quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (bao gồm cầu Mễ Sở); cầu Hoài Thượng; đoạn tuyến nối 9,7 km với cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Các hạng mục còn lại sẽ do nhà đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn tự có và vốn tín dụng theo hình thức đối tác công tư PPP.

Gia Khánh