Nghiệp vụ

Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm

Lê Văn Nhàn-Chánh án TAND TP. Pleiku (Gia Lai) 10/08/20 - 09:59

Trong những năm qua, các TAND trong cả nước có những nỗ lực, phấn đấu rất lớn. Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, các phán quyết đều đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không để lọt tội phạm và cũng không xét xử oan người không có tội, đảm bảo lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Điều 102 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/03/2014 của Bộ Chính trị đã xác định Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 về cơ bản là đúng đắn; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.

Quyết định hình phạt là một giai đoạn, một nội dung của áp dụng pháp luật hình sự do Tòa án thực hiện trong công tác xét xử. Quyết định hình phạt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, xã hội và pháp luật.

Chỉ khi hình phạt được quyết định một cách chính xác và công bằng, thì mục đích của hình phạt mới đạt được; có tác dụng trừng trị, giáo dục và cải tạo người phạm tội, ngăn ngừa tội phạm mới và răn đe giáo dục người khác.

Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm là một phần trong quyết định hình phạt nói chung được cơ quan TAND thực hiện trong công tác xét xử.

W_lvn.jpg
Một vụ án do Chánh án TAND TP. Pleiku Lê Văn Nhàn xét xử

Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng chế định đồng phạm trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động xét xử nói riêng thì thấy còn có nhiều vấn đề bất cập. Đặc biệt là vấn đề quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm.

Quyết định hình phạt là việc Tòa án lựa chọn một hình phạt cụ thể để áp dụng đối với người phạm tội. Khi quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, nhiều Tòa án đã gặp không ít khó khăn do một số quy định về quyết định hình phạt còn mang tính khái quát cao, chưa chặt chẽ, một số quy định khác còn chưa theo kịp tiến trình phát triển của đời sống, kinh tế, xã hội...

Chính những hạn chế này, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao hiệu quả của hình phạt. Vì vậy, việc nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống đề tài "Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm", làm rõ hơn về mặt lý luận nhằm góp phần vào việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, đáp ứng quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Quyết định hình phạt trong đồng phạm là trường hợp quyết định hình phạt đặc biệt, vừa phải tuân thủ quy định chung của chế định quyết định hình phạt, vừa phải tuân thủ quy định đặc thù của trường hợp đồng phạm. Việc nắm vững bản chất pháp lý của quyết định hình phạt sẽ giúp Tòa án các cấp quyết định hình phạt trong thực tế được đúng.

Quyết định hình phạt trong đồng phạm là việc Tòa án lựa chọn một loại và mức hình phạt cụ thể với mức độ cụ thể không chỉ cho một bị cáo mà cho nhiều bị cáo trong vụ án về một hoặc nhiều tội mà họ cùng phạm.

Quyết định đúng hình phạt trong đồng phạm không chỉ là cơ sở để đạt được mục đích của hình phạt cũng như nâng cao hiệu quả của hình phạt mà còn góp phần củng cố pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Do tính chất đặc thù của đồng phạm là một hình thức thực hiện tội phạm đặc biệt mà trong đó hai người trở lên cùng thực hiện tội phạm nên nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt không giống với các trường hợp phạm tội riêng lẻ.

Khi quyết định hình phạt đối với những người phạm tội trong vụ án đồng phạm, ngoài việc tuân theo các nguyên tắc quyết định hình phạt trong đồng phạm, Tòa án còn phải dựa vào các căn cứ quyết định hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự để tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án quyết định hình phạt được đúng đắn.

Các căn cứ quyết định hình phạt là cơ sở pháp lý, được quy định trong Bộ luật hình sự mà Tòa án tuân thủ khi quyết định hình phạt cho người phạm tội. Các căn cứ này bao gồm: tính chất của đồng phạm; tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, mức độ tham gia của từng người đồng phạm; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của riêng từng đồng phạm.

Qua thực tiễn áp dụng quy định về quyết định hình phạt trong đồng phạm cho thấy, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nói chung và đối với từng người đồng phạm nói riêng vẫn có nhiều thiếu sót như quyết định hình phạt còn quá nhẹ, áp dụng chế định án treo không đúng quy định pháp luật...

Trong bài viết này, đã nêu ra được một số điểm chính về thực trạng quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, thấy được các hạn chế ở góc độ lập pháp và thực thi cũng như xác định được các nguyên nhân của những hạn chế này.

Từ đó, đưa ra một số giải pháp, kiến nghị đối với lĩnh vực lập pháp và hoạt động thực thi pháp luật với mục đích mong muốn góp phần hoàn thiện vấn đề quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm trong tố tụng hình sự Việt Nam không chỉ ở góc độ xây dựng pháp luật mà còn ở góc độ thực thi pháp luật.

Lê Văn Nhn-Chánh án TAND TP. Pleiku (Gia Lai)