Kinh tế

Quyết tâm chặn đứng bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Hà Giang

Nguyễn Liên - Quang Huy 10/08/20 - :25

Thời gian gần đây, hàng loạt địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang xuất hiện lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi. Quyết tâm chặn đứng bệnh dịch lây lan, các ngành chức năng và địa phương đang nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

untitled.png
Các địa phương tại Hà Giang tiến hành phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại các hộ gia đình xảy ra dịch bệnh.

Thời gian gần đây, tình trạng lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, xuất hiện ở nhiều địa phương, khiến người chăn nuôi lao đao. Chỉ tính từ ngày 29 - 31/7/20, tổng số lợn tiêu hủy bắt buộc 1.576 con/238 hộ/62 thôn/20 xã/6 huyện, thành phố với tổng trọng lượng trên 60,4 tấn. Bệnh dịch đã xuất hiện tại các huyện Đồng Văn, Xín Mần, thành phố Hà Giang, Quản Bạ, Bắc Mê, Yên Minh.

Quyết tâm phòng, chống bệnh dịch, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút bệnh tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện kết hợp với UBND xã nơi có bệnh dịch xảy ra thực hiện tiêu hủy toàn bộ số lợn theo quy định và thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực ổ dịch bằng vôi bột và hóa chất. UBND các huyện có dịch đã ban hành quyết định công bố dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn xã có dịch theo quy định.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, ngay sau khi xuất hiện ô dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn Hà Giang, chi cục đã phân công cán bộ trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn mắc bệnh và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời, triển khai ngay các biện pháp khống chế, ngăn chặn ổ dịch lây lan diện rộng. Bên cạnh đó, chi cục đã kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế, ngăn chặn bệnh.

no_luc_2_200806094730.jpg
Xã Na Khê (Yên Minh) lập chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát tình hình bệnh dịch.

Các địa phương đã quyết định công bố dịch bệnh, thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra khỏi địa bàn. Hiện nay, có tổng 05 chốt (Bắc Mê 03 chốt, Yên Minh 02 chốt) đang hoạt động.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các huyện triển khai phun vệ sinh sát khuẩn các phương tiện ra, vào khu vực có ổ dịch. Theo đó, tổng số hóa chất đã sử dụng gần 2.000 lít hóa chất và 27.800 kg vôi bột để xử lý tiêu hủy và phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ có dịch và các hộ xung quanh. Tiến hành rà soát, thống kê, phân loại đàn lợn trên địa bàn để quản lý.

Hiện, UBND các huyện đang tập trung nguồn lực của địa phương, kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới theo các văn bản chỉ đạo của tỉnh và ngành chuyên môn.

Thành lập các đoàn kiểm tra của huyện đi kiểm tra tất cả các xã để chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn; kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm của lợn; thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc theo quy định 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu và 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp.

Cùng với đó, các địa phương cùng cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở để kịp thời phát hiện, khai báo và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh trong vòng giờ kể từ khi phát hiện lợn bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Đối với các địa phương chưa xảy ra dịch bệnh triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh vào địa bàn. Thường xuyên kiểm tra công tác phòng dịch tại các xã, thị trấn; thành lập các tổ liên ngành lưu động để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn.

Các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động mua vaccine tiêm phòng dịch bệnh; chủ động khai báo và tiêu hủy đàn lợn bị bệnh, tuyệt đối không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra môi trường…

Bệnh tả lợn châu Phi có khả năng lây lan nhanh, gây hậu quả khó lường đối với người chăn nuôi. Bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt cùng với sự chung tay của người dân trong việc thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, tin rằng sẽ sớm giúp ngành chăn nuôi chặn đứng bệnh dịch để duy trì sự phát triển ổn định.

Nguyễn Liên - Quang Huy