Chủ tịch Quốc hội: Bầu cử vẫn cn hạn chế, c người trúng cử khng đủ tư cách đại biểu

Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 18/07/2016

Sáng nay (18/7), Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức Hội nghị ton quốc tổng kết cng tác bầu cử trong cả nước nhằm đánh giá đầy đủ, ton diện về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội kha XIV v đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Chủ tịch Quốc hội: Bầu cử vẫn còn hạn chế, có người trúng cử không đủ tư cách đại biểu

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị

Dự Hội nghị có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Phó Chủ tịch Quốc hội - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia Tòng Thị Phóng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng - Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Trương Hoà Bình và đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Thành công của cuộc bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ và năm 2016. Thắng lợi của cuộc bầu cử là tiền đề, để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế vừa có những thời cơ, thuận lợi, vừa có những khó khăn, thách thức đan xen. Đảng và Nhà nước đã xác định đây là sự kiện chính trị trọng đại, là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 của đất nước. Với tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đó, Ban chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan hữu quan, các đoàn thể Nhân dân đã phát huy trách nhiệm, tích cực, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức thành công cuộc bầu cử. Nhân dân và cử tri cả nước đã hăng hái, tích cực đi bầu cử để lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Cuộc bầu cử đã đạt kết quả tốt đẹp, cả nước có hơn 67 triệu cử tri với tỷ lệ trên 99% đã tham gia bỏ phiếu, bầu được 496 đại biểu Quốc hội khóa XIV, 3.908 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 25.181 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 292.306 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã với cơ cấu, thành phần cơ bản phù hợp như dự kiến; tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, trong quá trình bầu cử vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định, có nơi phải hủy bỏ kết quả bầu cử và tiến hành bầu cử lại; có địa phương bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, phải tiến hành bầu thêm, vẫn có người đã trúng cử nhưng không đủ tư cách đại biểu…

"Để có cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tại Hội nghị này, chúng ta sẽ nghe đại diện của Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng kết công tác bầu cử và xem xét, đánh giá những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử, tìm ra nguyên nhân, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan tổ chức hữu quan những vấn đề bất cập, chưa hợp lý nhằm thực hiện tốt hơn nữa trong các cuộc bầu cử các nhiệm kỳ sau", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Tại Hội nghị, Báo cáo tóm tắt tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày nêu rõ: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp 2016-2021 đã thu được kết quả tốt đẹp. Tổng số cử tri cả nước: 67.485.482 cử tri. Tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu: 67.049.091 cử tri, đạt 99,35%.

Về bầu cử đại biểu Quốc hội: Tổng số đại biểu trúng cử trong ngày 22/5/2016 và bầu cử thêm ngày 29/5/2016 ở Cần Thơ là 496 người (bầu thiếu 4 đại biểu so với tổng số đại biểu được bầu).

Về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp: Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp trúng cử như sau: Cấp tỉnh: 3908 người; Cấp huyện: 25.181 người; Cấp xã: 292.306 người.

Về xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: Ngày 9/6/2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố danh sách chính thức những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đến hết ngày 1/6/2016, Ủy ban bầu cử các cấp đã hoàn thành việc công bố danh sách chính thức những người trúng cử đại biểu HĐND các cấp. Đến nay, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp đã tiến hành xong việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng bầu cử quốc gia đã thận trọng trong xem xét, xác nhận tư cách đại biểu, có biểu quyết bằng phiếu, kết quả không công nhận tư cách 02 đại biểu.

Như vậy, có 494 đại biểu Quốc hội đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV; cả nước có 3.907 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 25.180 đại biểu HĐND cấp huyện, 292.305 đại biểu HĐND cấp xã được công nhận đủ tư cách đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021. Có 01 trường hợp ứng cử đại biểu HĐND ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã của tỉnh Kiên Giang vì vi phạm Luật Bầu cử do nộp hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND ở cả 3 cấp nên không được xem xét, xác nhận tư cách đại biểu.

Báo cáo do Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng trình bày cũng đã thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử lần này cũng có hạn chế là chưa bầu đủ 500 đại biểu như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến, vẫn còn có trường hợp sau khi trúng cử không đủ tư cách đại biểu Quốc hội, nên Hội đồng Bầu cử quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu; vẫn còn để xảy ra sai sót trong in ấn phiếu bầu dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bầu cử và phải tiến hành bầu cử lại; sơ xuất trong việc kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu, vẫn còn có trường hợp bầu hộ, bầu thay. Một số nơi bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu HĐND cần bầu, nhất là đại biểu HĐND cấp xã...

Sau khi nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng kết công tác bầu cử, Hội nghị sẽ xem xét, đánh giá những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử, tìm ra nguyên nhân, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan tổ chức hữu quan những vấn đề bất cập, chưa hợp lý nhằm thực hiện tốt hơn nữa trong các cuộc bầu cử các nhiệm kỳ sau.

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự tập trung nghiên cứu tài liệu, từ thực tiễn triển khai công tác bầu cử ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, góp phần vào thành công của Hội nghị.

Trọng Bằng