Giáo dục

Đại học Điện lực hợp tác doanh nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Trang Nguyễn 16/08/20 - 16:20

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Trường Đại học Điện lực đã tổ chức Hội nghị "Kết nối giải pháp thách thức phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" và Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực và doanh nghiệp”.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Hội nghị “Kết nối giải đáp thách thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” và Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực (EPU) và Doanh nghiệp” có sự tham dự của TS Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệm đổi mới sáng tạo Quốc gia; đại diện Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); PGS.TS Vũ Đình Ngọ- Chủ tịch Hội đồng trường EPU, PGS. TS Nguyễn Lê Cường- Phó Hiệu trưởng EPU, cùng đại diện lãnh đạo một số cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương: Đại học Sao Đỏ, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Việt - Hung... cùng các chuyên gia, cùng hơn 80 doanh nghiệp và cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Điện lực.

Phát biểu khai mạc tại chương trình, PGS.TS Vũ Đình Ngọ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Điện lực cho biết, nhà trường vinh dự được Bộ Khoa học và Công nghệ giao tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Hoạt động này đã và đang góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp với mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hoạt động khích lệ, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển những công trình nghiên cứu khoa học thành sản phẩm thương mại hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa.

pgs-ngo-sua.png
PGS.TS Vũ Đình Ngọ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Điện lực phát biểu tại chương trình.

“Nhà trường mong muốn thông qua Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực và doanh nghiệp”, chúng ta cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ nhiều phía để tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp để phục vụ cho chặng đường hướng tới sự thịnh vượng và thành công của các bên…"- PGS.TS Vũ Đình Ngọ chia sẻ.

Trong phiên Hội nghị về “Kết nối giải đáp thách thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, các chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện Nhà trường đã cùng trao đổi với mục tiêu tạo ra một nền tảng để các bên liên quan có thể gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về những khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Cụ thể hơn, các mục tiêu chính của hội nghị có thể bao gồm: Thứ nhất, xác định và giải quyết các thách thức chính: Các doanh nhân, nhà đầu tư, cơ quan chính phủ, và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có cơ hội thảo luận về những rào cản hiện tại và tìm kiếm các giải pháp thực tiễn.

Thứ hai, kết nối mạng lưới: Hội nghị tạo cơ hội cho các bên gặp gỡ, kết nối và xây dựng mạng lưới quan hệ, thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thứ ba, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm: Các chuyên gia, doanh nhân thành công, và các nhà lãnh đạo trong ngành có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm và các chiến lược để vượt qua thách thức.

Thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Hội nghị khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới thông qua việc giới thiệu những xu hướng mới, các công nghệ tiên tiến, và những ý tưởng khởi nghiệp đột phá. Thứ năm, Xây dựng chính sách hỗ trợ: Từ những thảo luận tại hội nghị, các cơ quan quản lý có thể lắng nghe và xây dựng hoặc điều chỉnh các chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội

Với phương châm: “Nhà trường đào tạo cái xã hội cần mà không phải đào tạo cái nhà trường có”, trong những năm qua, hoạt động hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực và doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng được nhà trường quan tâm và đẩy mạnh.

pgs-cuong-sua.png
PGS.TS Nguyễn Lê Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực chia sẻ về việc hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp.

Hoạt động hợp tác doanh nghiệp được triển khai thực hiện một cách chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi cũng thấy rằng cần phải phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Chính vì thế trong phiên tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp”, các doanh nghiệp đã chia sẻ rõ các vấn đề liên quan đến việc làm cho sinh viên ngay từ khi năm 2 nhằm tạo môi trường thực chiến. Từ đó Xác định những cơ hội và phương thức hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, chẳng hạn như các chương trình thực tập, nghiên cứu ứng dụng, hoặc hợp tác phát triển chương trình đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

dai-bieu-dl.png
Đại biểu dự hội nghị.

Là một doanh nghiệp sản xuất các thiết bị công nghiệp điện đã đồng hành với các chương trình của trường trong nhiều năm nay, ông Bùi Văn Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vina Electric cho biết các trẻ bạn hiện nay linh hoạt và nhanh chóng nắm bắt được công nghệ, đặc biệt là một số bạn có trình độ ngoại ngữ cao luôn được công ty tuyển dụng với mức lương ưu đãi. Đồng thời doanh nghiệp cũng luôn sẵn sàng đồng hành cùng Nhà trường và các em sinh viên trong tiến trình khởi nghiệp từ mô hình đến thực tế.

Tọa đàm là cơ hội để EPU cùng các đối tác chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ nhiều phía để tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa EPU và doanh nghiệp. Từ đó, cải thiện chất lượng đào tạo, nâng cao khả năng thích ứng của sinh viên với thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp.

Tại Tọa đàm, hai bên đã xác định được những cơ hội và phương thức hợp tác thông qua các hoạt động thực tập, nghiên cứu ứng dụng cũng như phát triển các chương trình đào tạo. Đồng thời, thảo luận về những khó khăn và thách thức hiện hữu, từ đó đề xuất các giải pháp để khắc phục; định hướng việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong thời kỳ kinh tế số...

Trang Nguyễn