Đời sống

Cảnh báo tội phạm công nghệ lập doanh nghiệp “ma” để lừa đảo

Thanh Phương 18/08/20 - 16:58

Công an tỉnh Ninh Bình đã phát đi cảnh báo về các hành vi tội phạm sử dụng công nghệ cao, trọng tâm là công tác tuyên truyền, phát hiện khắc phục các kẽ hở trong quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực mà tội phạm lợi dụng hoạt động như hạn chế sim rác, tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng…

Theo quy định về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần hoàn thiện giải pháp.

sinhtrac.jpg
Người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi của đối tượng lừa đảo

Việc triển khai trước ngày 01/7/20 nhằm tuân thủ việc xác thực theo phân loại giao dịch tương ứng. Đối với khách hàng cá nhân, các giao dịch có giá trị lớn và giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài đều yêu cầu phải xác thực với dấu hiệu sinh trắc học được kiểm tra đảm bảo.

Cụ thể, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định, tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).

Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Trường hợp khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.

Việc các ngân hàng yêu cầu chủ tài khoản xác thực sinh trắc học đã góp phần quan trọng kiềm chế hoạt động của tội phạm công nghệ cao vì gần như 100% tội phạm công nghệ cao đều sử dụng các tài khoản ngân hàng không chính chủ được mua bán trái phép trên không gian mạng.

Tuy vậy, qua công tác nắm tình hình cũng như kết quả điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao phát hiện tội phạm công nghệ cao đã thay đổi phương thức thủ đoạn mới nhằm vượt qua các quy định khắt khe từ ngân hàng bằng cách sử dụng tài khoản công ty, doanh nghiệp để phạm tội.

Mặc dù để sở hữu các tài khoản ngân hàng đứng tên doanh nghiệp, công ty khó khăn hơn so với tài khoản của cá nhân nhưng đổi lại các tài khoản doanh nghiệp không có quy định phải xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch số tiền lớn, giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài.

Hiện nay, tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng đứng tên doanh nghiệp trên các hội nhóm mạng xã hội diễn ra rất sôi nổi. Người mua chỉ cần bỏ ra số tiền từ 5-10 triệu đồng là có thể mua được một tài khoản doanh nghiệp cùng với đó làm tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại đăng ký, giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Thực tế các doanh nghiệp này có được đăng ký thật nhưng đều là các doanh nghiệp “ma”, địa chỉ không chính xác và không có hoạt động kinh doanh trên thực tế.

Thời gian qua trên địa bàn cả nước nói chung, tại Ninh Bình nói riêng ghi nhận nhiều vụ tội phạm công nghệ cao sử dụng tài khoản ngân hàng đứng tên các “doanh nghiệp ma” để lừa đảo dưới các hình thức như tạo lập website doanh nghiệp kêu gọi đầu tư chứng khoản, cổ phiếu, tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; giả danh doanh nghiệp bán hàng giả, hàng nhái hoặc chiếm đoạt tiền cọc; rửa tiền xuyên quốc gia…

Trước tình hình trên, Công an tỉnh khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác khi tham gia đầu tư, mua bán hàng hoá trên các website, sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, đặc biệt đề phòng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng đứng tên doanh nghiệp có địa chỉ, hoạt động kinh doanh không rõ ràng.

Không mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng với bất kỳ ai. Hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp phát hiện đối tượng mua bán, thu thập thông tin tài khoản ngân hàng của cá nhân, doanh nghiệp thì trình báo cơ quan công an nơi phát hiện hoặc Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh để xử lý theo quy định.

Thực hiện xác thực sinh trắc học theo quy định của ngân hàng để tăng cường tính bảo mật, an toàn cho tài khoản đang sử dụng. Cài đặt sử dụng phần mềm phòng chống lừa đảo nTrust trên Google Play hoặc AppStore để chủ động phát hiện, báo cáo các tài khoản, số điện thoại, website lừa đảo, giả mạo.

Thường xuyên theo dõi các kênh thông tin, báo đài chính thống để cập nhật phương thức thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Thanh Phương