Đường sắt Việt Nam: Phát huy thành tích – Phát triển toàn diện
Trong 6 tháng đầu năm 20, ngành đường sắt Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, khẳng định sự nỗ lực không ngừng nghỉ và tinh thần vượt khó. Từ việc cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao an toàn vận hành đến tối ưu hóa quy trình quản lý,… ngành đường sắt đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của giao thông quốc gia. Những kết quả này là động lực mạnh mẽ để ngành tiếp tục bứt phá trong 6 tháng cuối năm. Báo Công lý đã có buổi trò chuyện với ông Hoàng Gia Khánh
PV: Ông có thể chia sẻ về kết quả hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty trong thời gian qua?
Trong 6 tháng đầu năm 20 toàn Tổng Công ty đã quyết tâm phấn đấu để hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Đặc biệt trong các chỉ tiêu về sản lượng và doanh thu trong vận tải hành khách, vận tải hàng hóa. Theo đó, lượng hành khách đi đến qua các ga đường sắt như Huế, Đà Nẵng tăng tới 60%, 70%. Và tại các khu vực như tuyến Hà Nội – Hải Phòng đều tăng trưởng vượt bậc.
Đối với hoạt động vận tải đường sắt, mặc dù là số lượng tăng trưởng trên hai con số, tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra hai sự cố sập hầm, gây ảnh hưởng ách tắc đến hoạt động của đường sắt tới 20 ngày và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Tuy nhiên, với tinh thần, trách nhiệm của tập thể cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành đường sắt, sự chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành, Tổng công ty cố gắng phấn đấu để đảm bảo cuối năm 20 không chỉ hoàn thành mà vượt mức kế hoạch đề ra. Đảm bảo và nâng mức thu nhập cho người lao động lên cũng là một trong mục tiêu quan trọng của chúng tôi.
PV: Giải pháp nào để thực hiện và đạt các mục tiêu trong kế hoạch mà Tổng công ty đã đề ra từ đầu năm, thưa ông?
Như nói trên, các sự cố có ảnh hưởng đến chi phí hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch đề ra, chúng tôi đã xây dựng cả một lộ trình, các kế hoạch để xây dựng, triển khai với điều kiện những tháng tiếp theo.
Để tất cả các chỉ tiêu đều phải vượt mức kế hoạch đã được xây dựng, đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt từ đầu năm. Đấy là một trong những mục tiêu của chúng tôi.
Chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện như: tiếp tục tăng cường công tác nâng cao chất lượng phục vụ hành khách; tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương, của các nơi có đường sắt đi qua. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh công tác hoạt động liên vận quốc tế; làm việc với các đối tác nước ngoài. Để làm sao số lượng hàng hóa đi qua đường sắt, qua cửa khẩu lớn nhất có thể.
PV: Tổng công ty đã hài lòng về kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm so với mục tiêu đề ra hay chưa?
Đối với kết quả sản xuất kinh doanh của 6 tháng thì đây cũng chỉ là bước đầu và chúng tôi cũng đang có rất nhiều điều cần phải làm ở trong hoạt động vận tải đường sắt cũng như trong vấn đề điều hành chung của ngành.
Đây là một trong những điều mà chúng tôi suy nghĩ, khi đã có tiền đề tốt và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên toàn ngành thì chúng tôi sẽ quyết tâm làm nhiều hơn nữa. Chúng tôi khẳng định ngành đường sắt sẽ có đóng góp một phần quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.
PV: Với vai trò lãnh đạo ngành đường sắt, ông có còn băn khoăn với khâu dịch vụ nào không?
Trong suy nghĩ và qua thực tiễn cho thấy, quá trình điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn có rất nhiều việc mà ngành đường sắt cần làm.
Thứ nhất, chúng tôi cần phải quan tâm đến mức thu nhập của người lao động. Làm sao để mà vừa đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh mà vẫn phải đảm bảo thu nhập của người lao động được nâng lên.
Thứ hai, tiếp tục đầu tư để tập trung cho việc nâng cao phương tiện, thiết bị hoạt động vận tải của ngành đường sắt để rồi tập trung vào nâng cao ý thức của người lao động trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đây là những tiêu chí chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn để phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho nhân dân.
PV: Vừa qua, với sự ra đời và hoạt động các đoàn tàu du lịch nhân được sự quan tâm của người dân. Sắp tới đây thì ngành đường sắt có tiếp tục xây dựng thêm các mô hình như này không?
Từ kết quả đã đạt được, ngành đường sắt cũng đã đưa ra nhiều tiêu chí, phương án để tiếp tục triển khai, đặc biệt là kết hợp với các đối tác nước ngoài trong và ngoài nước để làm sao xây dựng được các chương trình, mô hình hiệu quả.
Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều sáng kiến đưa ra các sản phẩm mới, đáp ứng được nhu cầu đi lại cho người dân cũng như phục vụ cho nhu cầu du lịch. Qua đó, hình ảnh của đất nước, vẻ đẹp của Việt Nam được giới thiệu rộng rãi hơn cho bạn bè trên toàn thế giới.
PV: Ông có thể chia sẻ về hoạt động xử lý các sự cố của ngành đường sắt thời gian qua?
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực đường sắt thì việc xác định xảy ra sự cố là tình huống thường xuyên được đặt ra. Điều kiện cơ sở hạ tầng của đường sắt Việt Nam khác so với các nước khác. Hạ tầng của chúng ta đã được đầu tư rất là lâu từ thời Pháp đến giờ. Chính vì vậy, việc ảnh hưởng trực tiếp đến điều hành chạy tàu cũng như công tác an toàn giao thông đường sắt là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Chính vì thế thời gian qua, Tổng công ty đã chủ động rà soát để đề xuất kịp thời với các cấp thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải về nội dung cần phải xử lý. Trong đó có vấn đề giải quyết trong ngắn hạn, những vấn đề giải quyết trong dài hạn nhưng cũng có những vấn đề cần phải xử lý gấp.
Trong quá trình tổ chức khai thác, tổ chức chạy tàu, nếu như sự cố xảy ra như hai sự cố vừa rồi là sạt lở hầm ở Bãi Gió, sạt lở hầm Chí Thạnh thì ngay lập tức tất cả cán bộ, công nhân viên và lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đều phải tập trung cao độ nhất để quyết tâm giải quyết thông đường một cách sớm nhất.
Khi gặp sự cố, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty đều trực tiếp có mặt tại hiện trường để giải quyết. Trong đó, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư cũng như nhà thầu để giải quyết các vấn đề cấp thiết, tổ chức cứu chữa đảm bảo an toàn.
Ngoài việc xử lý sự cố thì Tổng Công ty cũng phải thông báo kịp thời đến các tổ chức, khách hàng, cá nhân trong quá trình tổ chức hoạt động vận tải đường sắt để có kế hoạch. Ví dụ, đối với hành khách đi tàu thì phải có các phương án để chuyển tải hành khách tại các ga ở hai đầu, đảm bảo an toàn và thuận lợi nhất, thuận tiện nhất cho hành khách.
Đối với việc trung chuyển hàng hóa, phải lên ngay phương án để tổ chức việc trung chuyển hàng đi từ Bắc vào Nam đảm bảo thời gian bình thường. Lãnh đạo Tổng Công ty cũng đưa ra các tiêu chí và tất cả cán bộ, công nhân viên trong ngành đường sắt đều trực tiếp tham gia vào hoạt động cứu chữa để khôi phục hoạt động nhanh nhất có thể.
PV: Vấn đề tăng lương là câu chuyện luôn được quan tâm đặc biệt. Tổng Công ty có một lực lượng lao động rất lớn lên tới 22.000 cán bộ, công nhân viên, chính sách tiền lương với người lao động đã được Tổng công ty thực hiện như thế nào thời gian qua, thưa ông?
Hiện nay, lực lượng lao động của toàn ngành lên tới 22.000 cán bộ, công nhân viên, qua đó cho thấy người lao động có vai trò rất quan trọng trong dây chuyền hoạt động sản xuất, kinh doanh của vận tải đường sắt. Vì thế, chính sách với người lao động luôn là vấn đề được chúng tôi quan tâm.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, quy trình về tổ chức chạy tàu, điều hành chạy tàu được thực hiện theo mệnh lệnh. Vì vậy, vai trò, tính kỷ luật, kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động trong dây chuyền hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty là hết sức quan trọng.
Vì thế, chính sách về tiền lương của người lao động, ngành đường sắt đã đưa ra rất nhiều giải pháp. Tuy nhiên, trong điều kiện lực lượng lao động lớn như vậy, nguồn thu còn hạn chế, chúng tôi hiện chỉ cố gắng làm sao để cân đối, rồi dần dần tăng được thu nhập cho người lao động. Có thể nói thu nhập của người lao động trong ngành đường sắt (thuộc khối doanh nghiệp nhà nước) hiện đang nằm ở mức trung bình, trung bình khá, nhưng hướng tới việc tăng thu nhập cho người lao động và tạo gắn kết nhiều hơn giữa họ và doanh nghiệp luôn là quyết tâm lớn của lãnh đạo Tổng công ty. Bởi thu nhập ổn định thì người lao động mới yên tâm công tác, yên tâm làm việc và có trách nhiệm với ngành hơn.
Chăm lo đến đời sống của người lao động cũng là một trong những mục tiêu mà chúng tôi mong muốn thực hiện tốt. Muốn làm được việc đấy thì rõ ràng chúng ta phải đưa ra nhiều giải pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh để làm sao hoạt động kinh doanh hiệu quả, tiết giảm được chi phí thì mới có điều kiện nâng lương cho người lao động. Đó là những việc làm thiết thực nhất lúc này.
PV: Theo ông, trong 6 tháng cuối năm, ngành đường sắt sẽ hoạt động như thế nào để vừa có thể là đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra vừa đảm bảo sự an toàn, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại với người dân?
Đối với 6 tháng cuối năm, chúng tôi cũng xác định đây là một trong những mục tiêu sống còn của doanh nghiệp. Hoàn thành được nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đồng nghĩa với việc hoàn thành được kế hoạch của cả năm.
Đồng nghĩa là phải đạt được các chỉ tiêu mà đã xây dựng ra từ đầu năm. Ví dụ như chỉ tiêu về sản lượng, chỉ tiêu về doanh thu, chỉ tiêu về thu nhập, chỉ tiêu về lợi nhuận... Để đạt được, chúng tôi cần phải xây dựng được kế hoạch chi tiết, phương án chi tiết thật tốt và sát thực tế để tổ chức triển khai thực hiện.
Cùng với đó, trong công tác tổ chức thực hiện cũng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn, độ chính xác trong vận hành các dây chuyền kế hoạch để không lỡ, chậm tiến độ.
Tóm lại, 6 tháng cuối năm chúng tôi đưa ra mục tiêu là phải hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu mà đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt trong năm 20.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này./ .