Kinh tế

Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với giá điện

Duy Tuấn 19/08/20 - 17:50

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đề nghị bổ sung các quy định cụ thể để đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định và rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá điện.

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 36, chiều 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

dien1.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Chưa triển khai đầy đủ các cấp độ về thị trường điện cạnh tranh

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, dự án Luật có 9 chương, 121 điều (tăng 51 điều so với Luật hiện hành).

Sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 04 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng.

Đặc biệt, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như: Chất lượng xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện quy hoạch ngành điện chưa cao; cơ chế, chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ; Chưa có cơ chế pháp lý đầy đủ đảm bảo chuyển dịch từ chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, điện gió ngoài khơi sang chính sách cạnh tranh để hướng tới cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Việc công khai, minh bạch, đơn giản hóa về thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền; Chưa triển khai đầy đủ các cấp độ về thị trường điện cạnh tranh; Một số quy định trong Luật hiện hành chưa đầy đủ, cần sửa đổi, bổ sung như về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; khuyến khích tiết kiệm điện và quản lý nhu cầu điện, an toàn điện, an toàn đập và hồ chứa thuỷ điện.

Luật Điện lực sửa đổi nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và khắc phục các tồn tại, hạn chế mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được.

dien2.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài.

Việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Điện lực năm 2004.

Cần quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách quy định tại Điều này trong dự thảo Luật hoặc các luật khác có liên quan để bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước.

dien3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Về cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ (Điều 17), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, các nội dung quy định tại Điều 17 dự thảo luật nằm ngoài nội dung của chính sách về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.

"Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo về sự cần thiết đưa quy định về xử lý các dự án chậm tiến độ vào Luật này hay quy định tại các văn bản chỉ đạo, điều hành về xử lý các tình huống cụ thể. Bên cạnh đó, đề nghị giải trình rõ việc xử lý các dự án chậm tiến độ cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đầu tư"- ông Lê Quang Huy nêu quan điểm.

Về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới (Chương III), Thường trực Ủy ban cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cần thiết, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như bảo đảm an ninh cung cấp điện và an toàn hệ thống điện; đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng của hệ thống điện; đồng bộ kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Về thị trường điện cạnh tranh (từ Điều 51 đến Điều 61), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, quá trình tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường điện cạnh tranh rất chậm so với tiến độ đã được quy định. Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến lộ trình phát triển thị trường điện; kế hoạch tái cơ cấu ngành điện; kế hoạch cải cách giá bán lẻ điện và tuân thủ chỉ đạo tại Nghị quyết 55-NQ/TW.

Về giá điện và giá các dịch vụ về điện (từ Điều 76 đến Điều 78), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như: xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện.

Duy Tuấn