Ph Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm
Chính trị - Ngày đăng : 10:45, 19/07/2016
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình
Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của Bộ Tư pháp là chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng thể chế; thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan thực hiện đúng tiến độ xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết; tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch công tác năm 2016 đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Nhiệm vụ thứ hai là chủ động tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp để chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang trọng tâm là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thực thi pháp luật; có các biện pháp tổ chức thi hành tốt Luật hộ tịch, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện có hiệu quả các đạo luật quan trọng mang tính cải cách, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), bảo đảm đồng bộ với các đạo luật về tố tụng.
Phó Thủ tướng yêu cầu riêng đối với Bộ luật hình sự do có những sai sót nên Bộ Tư pháp phải tập trung lực lượng nghiên cứu, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành rà soát sửa chữa những sai sót mà các cơ quan, tổ chức và báo chí đã phát hiện và trình Quốc hội xem xét.
Nhiệm vụ thứ ba là tập trung các nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu của Quốc hội về thi hành án dân sự, có kế hoạch, giải pháp xử lý dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, các vụ việc có liên quan đến tín dụng, ngân hàng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng mà có để xung công quỹ, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về phòng chống tham nhũng; soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác thi hành án dân sự.
Nhiệm vụ thứ tư là nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, có lộ trình phù hợp phát triển các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý theo hướng xã hội hóa, khuyến khích tạo điều kiện phát triển dịch vụ này, không thực hiện các dịch vụ công theo nhiệm vụ của chức danh tư pháp để áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân; phân biệt quản lý luật sư với bổ trợ tư pháp, nâng cao vai trò của luật sư là chủ thể tham gia quá trình tố tụng góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự.
Nhiệm vụ thứ năm là tập trung chỉ đạo và có biện pháp hiệu quả thực hiện Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật và xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp như Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đề ra. Học viện Tư pháp tập trung đào tạo các chức danh chấp hành viên, công chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại, giám định viên tư pháp, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực đào tạo; nghiên cứu mở rộng đào tạo các chuyên viên về xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cho các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có nhu cầu.
Nhiệm vụ thứ sáu là tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các Nghị quyết của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; tích cực thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử; tập trung ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin gắn với cải tiến chế độ báo cáo, thống kê trong công tác chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực công tác tư pháp.
Nhiệm vụ thứ bảy là Bộ Tư pháp cần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tham gia xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế, chủ động đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành giải quyết về những vấn đề pháp lý phát sinh trong đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); xây dựng đội ngũ cán bộ có kỹ năng tốt, kiến thức toàn diện về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tư pháp cũng cần phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, chuyên sâu về công pháp, tư pháp quốc tế để tham gia các vụ việc tố tụng, kể cả các vụ việc về công pháp, các vụ kiện quốc tế.