Văn hóa - Du lịch

Hà Giang- Điểm đến yêu thích của du khách

Nguyễn Liên- Hoàng An 21/08/20 - 18:29

Trong những năm qua, Hà Giang được công nhận như một điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Việt Nam. Ngoài vẻ đẹp kỳ vĩ, độc đáo nhưng rất đỗi lãng mạn, thì cách người dân Hà Giang làm du lịch mộc mạc, dễ gần cũng gây thương nhớ cho du khách.

Là tỉnh miền núi nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhưng Hà Giang đã biến khó khăn thành cơ hội phát triển, người dân Hà Giang đã sống trên đá, thoát nghèo từ đá và đang làm giàu từ đá. Với lợi thể cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, cùng hệ thống di sản địa chất, di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tăng cường kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản và bản sắc văn hóa các dân tộc.

dl-ha-giang.jpg
Hà Giang được vinh danh Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á; xếp thứ 25 trong danh sách 52 điểm đến tuyệt vời cho du khách toàn cầu đánh giá

Cùng với cả nước, Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Lượng khách đến với Hà Giang tăng nhanh. Hà Giang được vinh danh Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á; xếp thứ 25 trong danh sách 52 điểm đến tuyệt vời cho du khách toàn cầu đánh giá; nhiều điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch Hà Giang đạt danh hiệu ASEAN... Bên cạnh đó, Hà Giang được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nhiều loại sản vật đặc trưng như: Mật ong bạc hà, Cam sành, dược liệu quý; và hơn cả là Chè Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh.

Đây là sự công nhận của du khách và cũng là niềm tự hào để ngành Du lịch tỉnh Hà Giang phát huy những giá trị văn hóa thiên nhiên tiếp tục thu hút du khách trong và ngoài nước. Xây dựng nền “công nghiệp không khói” đậm đà bản sắc văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các di sản thiên nhiên ban tặng là mục tiêu để Hà Giang luôn đẹp trong mắt du khách.

405141414_6302113736555980_4450450022369702928_n.jpg
Hà Giang đã xác định đúng khi lấy văn hoá để phát triển du lịch, lấy du lịch để phát triển văn hoá phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, xanh và bền vững

Cảnh quan hùng vĩ của Hà Giang là những giá trị đặc thù, duy nhất, lớn nhất, mạnh nhất để cạnh tranh với các điểm đến khác trong cả nước và thế giới. Từ đó, giúp tỉnh tìm ra các sản phẩm du lịch chủ lực dựa trên thiên nhiên hùng vĩ, văn hoá đặc sắc. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ, tâm thế của người làm du lịch ở Hà Giang cũng cần được chú ý và đào tạo, làm sao để người làm du lịch thể hiện được văn hoá Hà Giang, nét đặc trưng của người Hà Giang, từ đó thu hút du khách.

Công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng định hướng để phát triển dịch vụ lưu trú ở các điểm du lịch vẫn là sự hài hòa thiên nhiên, phù hợp văn hóa bản địa từng vùng, tránh để xảy ra hiện tượng tự phát sử dụng các kiến trúc lai căng không đồng nhất với từng địa phương gây ảnh hưởng đến giá trị văn hóa và giá trị cảnh quan chung của từng vùng cũng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc biệt quan tâm.

314490509_200006049060611_82351848950509703_n.jpg
Nét bình dị của người dân cũng thu hút du khách trải nghiệm
456253214_32387987829199_6394090230707979096_n.jpg
Du khách vô cùng thích thú khi đến Hà Giang với những con người mến khách, giản dị, mộc mạc

Điển hình, thời gian qua, các làng văn hóa du lịch vẫn còn bảo lưu được các giá trị nguyên bản như: Làng Văn hóa du lịch thôn Tha, Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang); Làng VHDL thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên), Làng văn hoá du lịch thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn)... đã trở thành các làng văn hóa du lịch mang sắc màu riêng của dân tộc Tày, Dao, Lô Lô... với những nét đặc trưng từ kiến trúc nhà sàn đến văn hóa dân tộc được người dân bảo lưu và phát huy mang lại nhiều nét riêng đầy sức hút từ các làn điệu hát Then, lễ Cấp sắc, Nhảy lửa tới các món ăn truyền thống như bánh Chưng gù, gỏi cá Bỗng... đã tạo thành điểm đến mang đậm phong cách riêng có, giá trị lâu dài.

Bên cạnh đó, tại Hà Giang, các bạn trẻ có cách làm du lịch rất độc đáo, ấn tượng đặc biệt cho khách du lịch. Bên cạnh xây dựng chuỗi du lịch trải nghiệm, mỗi một hướng dẫn viên nơi đây đều là những người kể những câu chuyện văn hóa độc đáo dân tộc của mình một cách chân thực, đặc sắc cho du khách trong và ngoài nước. Chính điều này đã tô thắm thêm bức tranh Hà Giang sinh động với mong muốn đưa bản làng Hà Giang ra thế giới.

z5751698719418_7b68548f0c564c092fdfdfa04416d366.jpg
Hoàng Su Phì mùa lúa chín đang là điểm đến của đông đảo du khách
z57517047017_054a30c2c7dd1f1b7e2aa0220232edd4.jpg
z5751708588147_40bf2fcf3cdd9bb0d6b59339ccea495c.jpg
“Bay trên những bậc thang vàng” là một trong rất nhiều hoạt động sẽ diễn ra trong chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” huyện Hoàng Su Phì
z57517039777_8d460f312e9cfa57e2bd96af609614a4.jpg
Hà Giang mãi đẹp trong lòng du khách đến trải nghiệm

Song song với đó, tỉnh Hà Giang còn liên kết 6 tỉnh Việt Bắc trong 14 năm qua để hình thành chuỗi liên kết các tỉnh thông qua chương trình du lịch 'Qua những miền di sản Việt Bắc' gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Cao Bằng.

Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch của các tỉnh khu vực đã có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.

Thực tế, Hà Giang so với các tỉnh lân cận có bước phát triển “đột phá” dù hạ tầng, địa hình rất khó khăn. Bằng sự tận tâm các cấp chính quyền, trao “chìa khoá” làm du lịch đến tận thôn bản, từng gia đình, cá nhân… Với mục tiêu, làm du lịch để thoát nghèo, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Hà Giang luôn năng động chú ý đến khâu liên kết để cùng nhau xây dựng, phát triển bền vững.

Nguyễn Liên- Hong An