Bất động sản

Tạm dừng vụ đấu giá đất ngày 26/8 ở huyện Hoài Đức

22/08/20 - 20:08

Phiên đấu giá đất ở huyện Hoài Đức vào ngày 26/8 tới đây sẽ tạm dừng để thực hiện kiểm tra, rà soát theo Công điện số 82 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

daugia.jpg
Việc trúng giá cao bất thường nêu trên có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo kế hoạch, ngày 26/8 tới đây, huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội) sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu giá 20 thửa đất còn lại ở khu Lòng Khúc, thuộc các lô LK01 và LK02 (nằm ngay bên cạnh 19 thửa đất vừa đấu giá trong hai ngày 19-20/8, gây xôn xao với mức giá trúng cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2.)

Giá khởi điểm vẫn là 7,3 triệu đồng/m2; diện tích dao động từ 89-145m2; đặt cọc trước từ 130-212 triệu đồng/thửa. Ngày 23/8 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ.

Tuy nhiên theo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, phiên đấu giá 20 thửa đất trên sẽ phải tạm dừng để thực hiện kiểm tra, rà soát theo Công điện số 82 của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/8/20 chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết trong ngày mai (23/8), đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ về kiểm tra thực tế, kết quả phiên đấu giá đất vừa qua.

“Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khảo sát về công tác đấu giá đất trên địa bàn huyện theo Công điện mới của Thủ tướng Chính phủ. Sau phiên làm việc với đoàn công tác, nếu không vấn đề gì, mọi công tác thực hiện chuẩn chỉ thì huyện sẽ sớm có kế hoạch tổ chức đấu giá tiếp các lô đất còn lại tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên,” ông Hoàng thông tin.

Trong hôm nay, 22/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công văn số 2781/UBND-TNMT yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn Thủ đô.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, trên địa bàn có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Ví dụ như đấu giá đất tại huyện Thanh Oai cao gấp 7-8 lần; đấu giá đất tại huyện Hoài Đức cao nhất, gấp 18 lần.

vnp_sot dat 12.jpg
Sau phiên đấu giá đất ngày 10/8 ở xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội), môi giới đã đẩy giá bán chênh các lô lên từ 90 triệu đồng/lô đến gần 1 tỷ đồng/lô, tùy từng lô. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Việc trúng giá cao bất thường nêu trên có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.

Do đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức trong thời gian qua; từ đó kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết đối với các vi phạm pháp luật (nếu có).

Trước đó, ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, sau các vụ đấu giá đất vừa qua.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ trưởng các Bộ Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất; kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng gây nhiễu loạn thị trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/20.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản; chủ động điều tiết, giải quyết theo thẩm quyền và có giải pháp xử lý hiệu quả hoặc đề xuất các giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhất là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi.

Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính khẩn trương hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho các địa phương về các chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13/8/20.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện công điện này; Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi tình hình, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.