Vấn đề quan tâm

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Người dân và Nhà nước đều có lợi

Gia Khánh 26/08/20 14:58

Theo Bộ GTVT, việc thu phí trên 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ xã hội nhằm thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư, tạo nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới các tuyến đường cao tốc.

ms13.jpg
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa

Đây là một trong mục tiêu mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra trong Báo cáo trình Chính phủ dự thảo nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc.

Người sử dụng đường cao tốc sẵn sàng chi trả

Theo Bộ GTVT, tính đến tháng 07/20, có 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý và đang khai thác, trong đó có 08 tuyến thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông (01 tuyến đang khai thác theo tiêu chuẩn đường cấp III).

Đề cập tới 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư dự kiến sẽ thu phí thời gian tới, Bộ GTVT cho rằng, mức phí được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tính toán và phân tích lợi ích của của chủ phương tiện khi lưu thông trên các tuyến cao tốc đó, đồng thời có tham khảo thông lệ quốc tế. Theo đó người sử dụng đường cao tốc thường sẵn sàng chi trả mức chi phí tương đương với 50-70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc.

12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ thu phí trong thời gian tới gồm: Lào Cai – Kim Thành, Hà Nội – Thái Nguyên, TP.HCM – Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn – QL.45, QL.45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn – Hòa Liên, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Tính toán tác động của chính sách đối với người dân, doanh nghiệp, Bộ GTVT lạc quan: Do các đặc tính của đường cao tốc là đường dành riêng cho xe cơ giới, chất lượng cao, tốc độ lưu thông lớn nên so với việc đi trên quốc lộ, người sử dụng đường cao tốc sẽ tiết kiệm được thời gian và tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện.

Trên cơ sở phân tích 12 tuyến đường cao tốc nhà nước đầu tư trước năm 2020, đang hoặc chuẩn bị vận hành, khai thác, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân 4.8 đồng/xe/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.

Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 14.132 đồng/xe/km, phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải <2 tấn với lợi ích bình quân là 1.174 đồng/km. Lợi ích bình quân tính theo xe đơn vị là 2.616 đồng/PCU/km.

Trên cơ sở lợi ích tính toán và cân đối với mức giá đang thực hiện đối với các dự án BOT quốc lộ cũng như các dự án BOT cao tốc; các chính sách tổ chức, điều tiết giao thông đảm bảo tốc độ dòng giao thông trên cao tốc, Dự thảo Nghị định Bộ GTVT đang trình Chính phủ quy định mức phí sử dụng cao tốc nhà nước đầu tư như sau:

Mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với đường cao tốc đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí (Mức 1): tương đương với 70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 1.300 đồng/xe.km); Mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với các dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ (Mức 2): tương đương với 50% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 900 đồng/xe.km). Biểu mức phí sử dụng đường bộ cao tốc như sau:

Nhóm Phương tiện chịu phí Mức 1 Mức 2
1Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng;1.300900
2Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tảitrọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn;1.9501.350
3Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn;2.6001.800
4Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet;3.2502.250
5Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet.5.2003.600

Cần hơn 1.400 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng trạm thu phí

Theo Bộ GTVT, việc thu phí sẽ tạo nguồn thu ngân sách nhà nước khi huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc; qua đó góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Bộ này tính toán, nếu thu phí 10/12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đã hoàn thành đưa vào khai thác gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ thì tổng số thu phí sẽ đã đạt khoảng 3.210 tỉ đồng/năm, số nộp ngân sách nhà nước trung bình khoảng 2.850 tỉ đồng/năm. Bên cạnh tăng thu ngân sách nhà nước, việc thu phí các cao tốc này cũng giúp các dự án BOT song hành hiện hữu có thể tăng doanh thu khoảng 20%.

Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là các dự án đường cao tốc đã đưa vào khai thác và đang xây dựng nhưng chưa được bố trí vốn cho các hạng mục thu phí do chưa có quy định thu. Hiện trên các đoạn tuyến cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng trạm thu phí, lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng hoặc chưa được bố trí trong cơ cấu vốn của dự án thành phần (đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam).

Theo Bộ GTVT, trên cơ sở quy mô dự án, để tổ chức thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với các phương tiện lưu thông trong 08 dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đang khai thác thì dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước cho công tác đầu tư xây dựng hạ tầng trạm và thiết bị thu phí hơn 1.400 tỷ đồng.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT đang rà soát lập hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật tổng thể hệ thống ITS, thu phí ETC tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 -2025 để thống nhất phương án đầu tư xây dựng đồng bộ trên toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; rà soát tổng mức đầu tư các dự án thành phần, tổng hợp báo cáo kinh phí đã sử dụng và kinh phí còn lại; phương án tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống ITS, thu phí ETC tại các dự án thành phần và kinh phí cần bổ sung (nếu có).

Bộ GTVT nhấn mạnh, việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc chỉ thực hiện được sau khi đã đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, nguồn lực thực hiện.

Mỗi năm cần .000 tỉ đồng để xây dựng cao tốc

Để thực hiện mục tiêu 5000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393 nghìn tỷ đồng để hoàn thành 2.043 km và khởi công 925 km, gồm: (1) Khoảng 61 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đã bố trí thực hiện hoàn thành 916 km các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và các dự án cao tốc đang thi công; (2) Khoảng 211 nghìn tỷ đồng để khởi công và hoàn thành 1.127 km trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 105,5 nghìn tỷ đồng và ngoài ngân sách 105,5 nghìn tỷ đồng; (3) Khoảng 121 nghìn tỷ đồng để khởi công 925 km giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước 73 nghìn tỷ đồng, ngoài ngân sách 48 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trong 10 năm tới, yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng mới đường cao tốc lên đến 239,5 nghìn tỷ đồng, bình quân nghìn tỷ/năm.

Gia Khánh