Kỳ vọng về “cửa khẩu kiểu mẫu” và những nỗ lực của người tiên phong
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 865/QĐ-TTg, triển khai đề án thí điểm xây dựng “Cửa khẩu thông minh” tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Đề án không chỉ nhằm cải cách thủ tục hành chính mà còn hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu, nâng cao hiệu quả giao thương tại Lạng Sơn.
Những kỳ vọng về "cửa khẩu kiểu mẫu"
Trong bối cảnh hội nhập, việc nâng cấp và hiện đại hóa các cửa khẩu trở thành nhiệm vụ cấp bách để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước ASEAN nói riêng cũng như kinh tế quốc tế nói chung.
Nhận thức rõ điểm trên và nắm bắt định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, từ tháng 6/2023, tỉnh Lạng Sơn đã không ngừng tích cực xây dựng và hoàn thiện đề án về thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh.
Với vị trí địa lý đặc biệt, Lạng Sơn là cửa ngõ kết nối Việt Nam với Trung Quốc qua các cửa khẩu như Hữu Nghị và Tân Thanh. Đây không chỉ là điểm giao thương hàng hóa mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia Việt- Trung.
Sau nhiều nỗ lực, ngày 17/8/20, tỉnh Lạng Sơn nhận Quyết định số 865/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tiếp đó, chiều 23/8/20, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có cuộc họp triển khai thực hiện Quyết định và xem xét dự thảo kế hoạch triển khai đề án này.
Theo những nội dung đề cập trong đề án, mô hình cửa khẩu thông minh sẽ trở thành một hình mẫu mới, một điểm sáng đột phá đưa Lạng Sơn trở thành trung tâm hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch trọng điểm của vùng Đông Bắc; Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sẽ được xây dựng trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN.
Cửa khẩu thông minh áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành không người lái (AGV), hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh, được ứng dụng số và phát triển dựa trên công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay..., hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại.
Hai bên cửa khẩu sẽ xây dựng Trung tâm chỉ huy để điều phối thông minh và chia sẻ, kết nối dữ liệu cùng các điều kiện cần thiết khác đối với phía Trung Quốc, tạo thành một hệ thống thống nhất, bảo đảm năng lực tính toán, xử lý, lưu trữ, bảo mật,...
Thông qua nền tảng “Cửa khẩu số" của Lạng Sơn (Việt Nam) và "Cơ chế một cửa thương mại quốc tế” của Quảng Tây (Trung Quốc), tương tác thông tin về thủ tục hải quan và logistics tại khu vực cửa khẩu giữa hai bên sẽ nhanh chóng được phối hợp, giải quyết nhanh gọn.
Hành trình mới cho ngành xuất - nhập khẩu và nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh Lạng Sơn
Để đưa chương trình Cửa khẩu thông minh vào hoạt động, tỉnh Lạng Sơn phải thực hiện nhiều bước đi cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả và thành công của Đề án.
Tại cuộc họp triển khai Đề án của tỉnh Lạng Sơn ngày 23/08/20, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Để việc triển khai thực hiện đề án đáp ứng được tất cả các mục tiêu đã đề ra, cần có sự huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sức mạnh tổng hợp trong suốt quá trình triển khai Đề án.
Các sở, ban, ngành và các lực lượng liên quan của tỉnh xác định rõ từng nội dung công việc cần triển khai, gắn với trách nhiệm từng đơn vị; việc tổ chức triển khai thực hiện đề án phải tuân thủ quy định của pháp luật; khẩn trương hoàn thiện công tác quy hoạch khu vực cửa khẩu, quy hoạch sử dụng đất; xây dựng và ký kết quy chế gặp gỡ, trao đổi giữa tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để thống nhất những nội dung trong quá trình triển khai thực hiện đề án; thực hiện ngay việc khảo sát, thiết kế, lập dự án liên quan; sớm triển khai các thủ tục thi công liên quan đến khu vực biên giới;…”.
Việc thực thi cụ thể Kế hoạch của UBND tỉnh và bổ sung, hoàn thiện, theo dõi tiến trình Đề án được giao cho Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Ngoài ra, một số nhiệm vụ liên quan đến công tác đối nội, đối ngoại; bổ sung quy chế để huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa thực hiện Đề án được giao cho một số sở, ban, ngành thuộc tỉnh.
Đến nay, việc đề án Cửa khẩu thông minh được phê duyệt và đưa vào thực hiện thí điểm là cả một quá trình nỗ lực không ngừng.
Có thời điểm, quy trình sử dụng nền tảng Cửa khẩu số do UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các ngành và lực lượng chức năng liên quan, một số nội dung bị cho là “chưa đúng, chưa đủ” với quy định hiện hành.
Bởi đây là một mô hình mới chưa từng có tiền lệ; chưa có cơ sở thực tiễn đề cập đến việc xây dựng cửa khẩu thông minh; thiếu các quy định của pháp luật và khung hành lang pháp lý để đối chiếu.
Quá trình xây dựng, dự thảo Đề án đã được sửa đổi bổ sung 02 lần,; UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương về nhiều nội dung liên quan.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lạng Sơn đã tiếp thu hoàn thiện Đề án và trình Thủ tướng chính phủ; đồng thời đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung để triển khai xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh.
Niềm tin vào người “đi trước, mở đường”
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban soạn thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam 2035 - tầm nhìn đến 2045 đánh giá: “Cửa khẩu thông minh là một mô hình mới, áp dụng công nghệ hiện đại giúp tối ưu hóa quy trình thông quan, giảm chi phí logistics và thời gian vận chuyển, từ đó thúc đẩy xuất nhập khẩu, cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ cao sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và đáng tin cậy, điều này rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để có được những lợi ích này, là người “đi trước mở đường”, tỉnh Lạng Sơn cần bám sát Đề án đã thông qua, bao gồm đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực nâng cao và xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan. Chỉ khi có sự đồng bộ này, chúng ta mới có thể phát huy tối đa tiềm năng của Cửa khẩu thông minh trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Ông Hải khẳng định: “Lạng Sơn đang đóng vai trò chủ chốt trong việc hiện thực hóa chương trình thí điểm Cửa khẩu thông minh. Nếu Lạng Sơn thành công trong việc triển khai chương trình này, nó sẽ tạo ra hình mẫu cửa khẩu cho các tỉnh khác học hỏi, góp phần nâng cao giá trị thương mại của Việt Nam trên toàn khu vực”.