Kỳ 1: Những 'cây đại thụ' ở vùng biên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần lời dạy của Người, trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Trở lại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) để thực hiện tuyến bài chủ đề về “Dân vận khéo” ở vùng biên giới Cao Vều, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới đang trỗi dậy trên mỗi con đường, làng quê nơi đây.
Theo hành trình, chúng tôi vào bản Vều 4 đầu tiên, một trong những bản xa nhất, khó khăn nhất của xã Phúc Sơn. Nằm dưới những tán rừng cao su xanh mướt, từ bao đời nay bà con bản Vều 4 sinh sống đoàn kết, yêu thương lẫn nhau.
Vừa đến đầu bản, hình ảnh những ngôi nhà kiên cố khang trang, những đồi chè nguyên liệu xanh mướt, những tốp trẻ em ríu rít đi học về, niềm hạnh phúc lấp lánh trong từng ánh mắt, nụ cười của người dân khi những ngày thiếu đói đã lùi vào dĩ vãng… Tất cả cho thấy một bức tranh no ấm đang dần hiện hữu ở miền biên ải xa xôi này.
Như đã hẹn trước, Bí thư chi bộ Hà Văn Nếp đón chúng tôi ở con dốc đầu bản, anh kể sáng nay đã phải dậy sớm từ lúc 5 giờ, đi thăm những đồi chè của bản. Vừa đi anh Nếp vừa trải lòng, từ nhỏ đến lớn quanh năm suốt tháng anh chỉ biết theo cha mẹ lên lên rẫy làm nương, hay vào rừng kiếm củi. Chính tuổi thơ nhọc nhằn đó đã tôi luyện cho anh có được một nghị lực, sự nhẫn nại, linh hoạt, năng động trong cuộc sống.
Năm 2010, khi bản biên giới Cao Vều lớn được chia tách thành 4 bản nhỏ, anh đã quyết định chuyển gia đình từ bản trung tâm Vều 1 lúc bấy giờ về bản Vều 4 sinh sống, lập nghiệp.
Vào bản mới, với tác phong nhanh nhẹn, anh được cả bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản từ năm 2010 đến năm 2020. Trong quá trình làm Trưởng bản, nhận thấy Chi bộ của bản không có Đảng viên tại chỗ mà phải tăng cường 2 Đảng viên từ nơi khác về, năm 2014 anh đã phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng CSVN. Anh là người dân tộc Thái đầu tiên ở vùng biên giới Cao Vều được kết nạp Đảng. Bằng sự uy tín, trách nhiệm của mình, năm 2017 anh được bầu làm Bí thư chi bộ, trưởng ban MTTQ bản Vều 4 cho đến nay.
Anh Hà Văn Nếp nhớ lại chặng đường gian nan khi anh cùng mọi người chung tay xây dựng kinh tế và đời sống ở bản làng xa xôi, cách trở giáp biên giới Việt – Lào. Khi mới lập bản, cuộc sống cơ cực lắm, “nằm nghiêng thấy suối, nằm ngửa thấy rừng”, bà con không có vốn làm ăn, chưa biết cách làm lúa nhiều hạt, sắn khoai nhiều củ, trồng cây gì nuôi con gì để cải thiện cuộc sống, tất cả chỉ sống nhờ vào khai thác rừng.
Bước đầu khởi nghiệp trong điều kiện khó khăn, anh phải ra tận tỉnh Phú Thọ để học hỏi kinh nghiệm, thời đó một người ở bản Thái xa xôi đi học làm kinh tế như anh rất hiếm. Sau khi học được kiến thức về, mỗi ngày anh đều ở trên nương từ sáng sớm đến chiều muộn; tối đêm anh lại đọc, lại ghi chép từ sách kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè mượn ở xã và từ thực tế hàng ngày vào một cuốn vở.
Nhờ nghiên cứu chăm sóc đúng kỹ thuật, cây chè phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế, giá trị kinh tế của cây chè, anh mở rộng thêm diện tích chè lên gần 1 ha. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh thu hái 7 lứa, đạt 21 tấn chè búp tươi, sau khi trừ chi phí cho gia đình anh thu về từ 60-80 triệu đồng/năm.
Khi đã “no cái bụng, ấm cái mình”, anh Hà Văn Nếp lại đi đến từng nhà vận động bà con dân bản cùng làm theo, những buổi chăm sóc, thu hoạch chè anh đều chia sẻ trên trang Facebook cá nhân để bà con biết học hỏi.
Thấy hiệu quả cây chè mang lại cho gia đình Trưởng bản, bà con Vều 4 đã cùng khai hoang biến những khu đất trống, đồi trọc thành những đồi chè xanh mướt. Toàn bản hiện có 30 ha chè nguyên liệu, hơn 50 hộ tham gia trồng, đây được coi là cây trồng đột phá, cây thoát nghèo của bà con Vều 4.
Ngoài phát triển cây chè, anh Nếp còn trực tiếp đến từng nhà chia sẻ kinh nghiệm, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ một thôn có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số, đến nay thôn đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập cao, bản đã có sự đổi thay về mọi mặt.
Ghé thăm gia đình chị Hà Thị Hương, một trong những gia đình thoát nghèo nhờ cây chè, chị Hương chia sẻ, trước đây gia đình quanh năm thiếu cái ăn, ngày ngày chỉ biết lên rừng hái măng và thu nhập chỉ chờ vào đó.
Từ khi được anh Nếp tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm trồng chè, gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng 5 sào, cùng với sự nỗ lực của bản thân, hiện nay cây chè đã cho thu nhập ổn định, gia đình chị đã thoát được nghèo, cuộc sống ổn định hơn.
Không chỉ là một điển hình làm kinh tế giỏi, mà nhiều năm nay anh Hà Văn Nếp còn là một Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận tận tuỵ, trách nhiệm. Với suy nghĩ “đảng viên đi trước”, trong bất kỳ công việc nào anh Nếp luôn tâm niệm phải nghĩ trước, làm trước để làm gương cho bà con.
Gần năm gắn bó với công việc được ví như “vác tù và hàng tổng”, anh Hà Văn Nếp luôn đặt lợi ích của người dân, của thôn làng lên hàng đầu. Với lòng nhiệt tình, tâm huyết của mình, nhiều năm liền anh được BTV huyện uỷ Anh Sơn khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính Trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chúng tôi đến bản biên giới Vều 2, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), dòng suối nhỏ hiền hòa chảy qua bản mùa này tưới cho cánh đồng lúa trĩu bông, cho không khí trong lành; đường vào bản rực rỡ sắc hoa cùng những ngôi nhà, trường học khang trang, sạch đẹp.
Sức sống mới và sự thanh bình hiện hữu trên miền biên ải, minh chứng cho quyết tâm xây dựng bản làng đổi mới và sự đồng lòng của các đảng viên cùng bà con đồng bào Thái nơi đây - nơi mà ý Đảng lòng dân hòa cùng một ý chí. Trong câu chuyện về sự đổi thay của bản, người dân Vều 2 thường nhắc đến hình ảnh nữ trưởng Ban công tác mặt trận, Bí thư chi đoàn Lương Thị Kim Chi.
Với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, Lương Thị Kim Chi dẫn chúng tôi đi dọc các tuyến đường chính của bản, Kim Chi chia sẻ: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em chỉ học hết lớp 9 rồi phải ở nhà phụ mẹ làm nương rẫy.
Với sự nhiệt tình trong các hoạt động, phong trào của bản nên năm 2016 Kim Chi được bầu làm Bí thư chi đoàn. Năm 2018, Kim Chi đã phấn đấu được kết nạp vào Đảng, trong quá trình hoạt động, bằng sự nhiệt huyết, tận tâm của một người Đảng viên trẻ, năm 2021, Kim Chi được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận bản Vều 2 và là đại biểu HĐND xã nhiệm lỳ 2021- 2026.
Kim Chi tâm sự, thấm nhuần lời dạy của Bác: Dân vận là việc tập hợp và huy động cho được sức mạnh của toàn dân, người làm công tác dân vận phải "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” chứ không phải "chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, nên Kim Chi luôn xác định nói đi đôi với làm, bản thân mình phải là người gương mẫu, là người tiên phong, đi đầu và nhất là phải có sự kiên trì, luôn gần dân, sát dân và “lấy dân làm gốc”.
Nhận thấy đa số bà con dân bản dân trí không đồng đều, việc tiếp thu khoa học kỹ thuật còn hạn chế, canh tác theo tập quán cũ nên năng suất, hiệu quả kinh tế không cao. Với suy nghĩ, là người trẻ của bản, mình phải làm gì đó để giúp bà con thoát nghèo, Kim Chi đã tích cực học hỏi trên các trang mạng, sách báo từ đó tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
Chỉ tay vào tuyến đường bê tông rộng thênh thang cùng nhà sinh hoạt cộng đồng kiên cố, Kim Chi kể: Đây chính là thành quả rõ nhất cho thấy được sự đoàn kết của người dân bản Vều 2.
Được biết, trước đây, tuyến đường này dài 600m chỉ được đổ đá cấp phối, mặt đường nhỏ hẹp, do sử dụng nhiều năm nên đã xuống cấp. Trước thực tế đó, năm 2022, bản đưa ra chủ trương nâng cấp, mở rộng tuyến đường rộng 3,5m và làm nhà văn hoá bản với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Để bà con hiểu và chung tay, Kim Chi đã không ngại đến gõ cửa từng gia đình, vận động “khơi thông” tư tưởng cho bà con.
Dần dần, khi thấy việc mở rộng tuyến đường mang lại nhiều lợi ích nên bà con đã đồng lòng góp công, góp sức được gần 300 ngày công và hàng trăm triệu đồng tiền mặt làm đường giao thông và nhà văn hoá.
Sinh ra và lớn lên ở bản đồng bào dân tộc Thái, tuổi thơ Kim Chi lớn lên từ những điệu khắp, nhuôn, điệu múa lăm vông của bà, của mẹ, nên chị luôn mong muốn những giá trị văn hoá đó được lưu giữ, trao truyền. Năm 2023, Kim Chi đã chủ động phối hợp với chi hội phụ nữ bản thành lập CLB “Dân ca, dân nhạc, dân vũ”.
Hiện nay, CLB có 30 thành viên, đều là những người trẻ có độ tuổi từ - 40. Với vai trò chủ nhiệm CLB, Kim Chi đã tổ chức sinh hoạt CLB 2 lần/tháng, tại các buổi sinh hoạt sẽ tập luyện các làn điệu suối, khắp, lăm, nhuôn; các nhạc cụ dân tộc khắc luống; khèn, sáo, trống và các điệu múa truyền thống, vận động chị em mặc trang phục Thái, học viết, nói tiếng Thái để giữ gìn bản sắc.
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, trong suốt quá trình hoạt động của mình, Lương Thị Kim Chi đã được các cấp, các ngành khen thưởng. Năm 2019, Kim Chi là thành viên duy nhất của huyện Anh Sơn được tham quan, học tập các mô hình 10 tỉnh phía Bắc; Năm 2020, Kim Chi được chọn tham gia các khoá đào tạo nghệ nhân giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; nhiều năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 20 này, Kim Chi vinh dự là đại biểu tiêu biểu đại diện cho UBMTTQ huyện Anh Sơn tham dự Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An lần thứ XV, nhiệm kỳ 20-2029.
TRƯỞNG BẢN "NÓI DÂN TIN, LÀM DÂN THEO"
Luôn nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân tin, hiểu và làm theo; “đầu tàu” trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... đó là nhận xét của nhiều người dân khi nhắc tới ông Bạch Đình Dung, Trưởng bản, người có uy tín bản Vều 3, xã Phúc Sơn, Anh Sơn (Nghệ An).
Ông Bạch Đình Dung sinh năm 1952, năm 1974, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước, ông lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp đó, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Cam Pu Chia, đến năm 1981 xuất ngũ trở về địa phương.
Về với bản làng, ông tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Từng làm Bí thư chi đoàn, Phó chủ nhiệm HTX. Năm 1992 trong một lần tham gia chiến dịch phòng chống sốt rét của huyện, ông đã bị nhiễm trùng và bị cắt một phần cánh tay phải. Từ năm 2010, sau khi tách bản, ông được bầu làm Trưởng bản Vều 3 và người có uy tín cho đến nay.
Trăn trở bởi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, ông Bạch Đình Dung luôn sát cánh với chi bộ, ban quản lý bản kiên trì vận động nhân dân khắc phục tư duy trông chờ, ỷ lại, đổi thay nếp nghĩ, nếp làm để từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Theo ông Dung, với bà con người Thái, không gì thuyết phục hơn bằng mắt thấy, tai nghe. Vì vậy, muốn người dân trong bản làm theo, trước tiên bản thân phải gương mẫu, nói đi đôi với làm. Bản thân ông tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn tích cực tham gia phát triển kinh tế. Hiện nay ông đang chăn nuôi 3 con trâu bò, 20 đàn ong. Năm 2023, ông đã tiên phong làm điểm mô hình trồng thử nghiệm một số giống Na mới để nâng cao thu nhập.
Trải qua gần năm “vác tù và hàng tổng”, hơn 70 tuổi đời, nhưng bước chân của ông Bạch Đình Dung hàng ngày vẫn in dấu trên từng mảnh đất miền biên viễn. Ông đến từng nhà, ra tận rẫy động viên bà con, nhất là những gia đình nghèo mạnh dạn học hỏi, áp dụng những cách làm hay, những mô hình kinh tế hiệu quả.
“Mưa dầm thấm lâu” và “cầm tay chỉ việc” là hai cách làm mà suốt những năm qua ông đã áp dụng để từng bước giúp người dân. Đồng thời, ông đã “đi từng nhà, gõ từng cửa” tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Hiện nay, bản đã có nhiều những mô hình làm kinh tế giỏi với thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm, toàn bản có 200 ha rừng nguyên liệu, gần 12 ha chè công nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo trong bản cũng giảm dần, từ chỗ 50% năm 20 nay giảm xuống chỉ còn hơn %; hơn 80% hộ đạt gia đình văn hóa, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển…
Bằng những cống hiến, hết lòng vì sự đổi thay của bản làng, “dấu ấn” của ông Bạch Đình Dung đã hằn in sâu đậm trong mỗi nếp nhà, trên mỗi con đường… ở miền biên cương Tổ quốc.
Chia tay ông Bạch Đình Dung với cái bắt tay thật chật, chúng tôi ấn tượng với câu nói: “Phần thưởng nào tôi cũng trân trọng, song phần thưởng ý nghĩa nhất có lẽ chính là tình cảm tin yêu của bà con dành cho tôi và sự đổi thay của bản làng yêu dấu…”. Ông Bạch Đình Dung xứng đáng là cây “đại thụ” bên dòng sông Giăng, giữa đại ngàn Pù Mát để mỗi người dân học tập và noi theo.
Đồng chí Nguyễn Công Bình, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Sơn, khẳng định: Để có được “quả ngọt” là sự đổi thay, khởi sắc ở vùng biên giới Cao Vều, Đảng uỷ xã đánh giá cao vai trò của các bí thư chi bộ, đảng viên, người có uy tín tại các bản làng như anh Hà Văn Nếp, Chị Lương Thị Kim Chi và ông Bạch Đình Dung.
Mỗi người một việc, một cách làm khác nhau, theo cách riêng của mình nhưng tất cả đều có những đóng góp rất lớn, cùng Cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng bản làng no ấm, bình yên, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới.
Những việc làm của họ một lần nữa khẳng định tinh thần “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.