Thượng tướng Lê Quý Vương: Thất thoát gần 3.000 tỷ đồng tại PVC mới chỉ dựa trên ti liệu thng báo
Chính trị - Ngày đăng : 14:31, 20/07/2016
PV: Thưa ông, được biết Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp tục điều tra làm rõ việc ông Trịnh Xuân Thanh, vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011 - 2013) ở PVC, vậy đơn vị nào sẽ điều tra vụ này?
Thượng tướng Lê Quý Vương: Trường hợp của ông Thanh hiện có 2 đơn vị là Tổng Cục an ninh, Tổng Cục cảnh sát đang nghiên cứu và chưa có kết quả. Chúng tôi vẫn làm đúng theo quy định của pháp luật, kể cả Tổng Bí thư không chỉ đạo thì khi xem xét nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật vẫn xử lý bình thường. Bộ Công an cũng đã có văn bản báo cáo Tổng Bí thư về vấn đề này.
PV: Việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc cấp biển số xe công trái quy định cho ông Trịnh Xuân Thanh sẽ xử lý như thế nào thưa ông?
Thượng tướng Lê Quý Vương: Tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm vụ việc này! Vừa qua, cơ quan có thẩm quyền cũng đã làm rõ sai phạm của các cá nhân liên quan trong việc cấp biển số xe công trái quy định. Bên cạnh đó thời gian tới đây, Bộ Công an cũng sẽ tiến hành thanh tra lại toàn bộ việc đăng ký, quản lý cấp phép biển số xe của Công an tỉnh Hậu Giang, để rút kinh nghiệm chỉ đạo trong toàn ngành.
PV: Vậy ông có thể cho biết, khi nào việc điều tra liên quan đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh có thể hoàn tất?
Thượng tướng Lê Quý Vương: Thời gian dự kiến hoàn thành vụ việc này như thế nào phải tuân theo quy định của pháp luật về thời hạn về giải quyết tin báo tố giác tội phạm, thời hạn điều tra… Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm sớm vì đây là vấn đề mà Đảng và Nhà nước, nhân dân quan tâm. Theo quy định của pháp luật, thời hiệu điều tra không quá 2 tháng so với luật cũ, 3 tháng so với luật mới. Từ khi khởi tố thì thời hiệu là khoảng 4 tháng đối với các vụ án nghiêm trọng. Riêng án kinh tế có thể phải kéo dài hơn, vì việc chứng minh tội phạm kinh tế rất phức tạp, cả quá trình xem xét tài liệu, đối chiếu so sánh, nhất là những vấn đề liên quan đến chứng cứ thì mới có sức thuyết phục.
PV: Được biết, trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh liên quan đến việc làm thất thoát gần 3.000 tỷ đồng tại PVC?
Thượng tướng Lê Quý Vương: Tại một công ty của PVC năm 2012 cũng đã có một vụ bị khởi tố, điều tra. Còn việc làm thất thoát khoảng 3.000 tỷ, theo tôi biết là trên cơ sở tài liệu thông báo của cơ quan thanh tra, còn giờ chưa thể nói rõ điều này. Đây là một công ty lớn, có công ty mẹ, các công ty con, theo hạch toán của các công ty. Có thể sai phạm xảy ra ở công ty con, liên quan đến sự điều hành của công ty mẹ, nên cần phải có thời gian điều tra, xác minh.
PV: Vậy CQĐT đã mời những người liên quan lên làm việc chưa, thưa ông?
Thượng tướng Lê Quý Vương: Trách nhiệm của cơ quan điều tra làm theo đúng quy định của pháp luật, và chúng tôi có phân công, phân nhiệm rõ ràng. Việc điều tra tiến hành theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Suốt quá trình điều tra, cán bộ điều tra phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội, một người được coi là có tội khi có chứng minh tội phạm và có kết luận điều tra, truy tố và Toà án xét xử ra bản án có hiệu lực pháp luật. Nên trong quá trình điều tra phải tuân thủ nguyên tắc phát hiện tội phạm nhưng cũng phải bảo vệ quyền con người, quyền công dân, theo tinh thần Hiến pháp 2013.
PV: Vậy CQĐT có gặp áp lực gì trong điều tra vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh hay không?
Thượng tướng Lê Quý Vương: Đã làm nghề điều tra thì có rất nhiều áp lực, kể cả án hình sự, kinh tế hay án ma tuý. Nhưng với tội phạm kinh tế, thường đối tượng là người ta đã có học hành cơ bản, có kiến thức, họ nắm bắt chắc các kiến thức pháp luật, cho nên sự đối phó của họ là hết sức kín đáo, tìm ra chứng cứ phải suy nghĩ, phân tích đánh giá, tìm chứng cứ không hề đơn giản. Nhưng với những người làm nghề điều tra thì phải công khai, minh bạch, nghiêm túc, tuân thủ pháp luật. Như vậy mới không làm oan người không có tội và bỏ lọt tội phạm.
Xin cảm ơn ông!